1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga trở lại mạnh mẽ tại Syria, Mỹ “phá sản” trong chính sách chống IS

(Dân trí) - Việc Tổng thống Nga Putin ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đi đôi với hành động quân sự đang phơi bày rõ thất bại của Washington trong chính sách chống IS.

Thực tế nghiệt ngã

Theo US News, thời gian qua kế hoạch của Mỹ tại Syria ngày một bộc lộ sự kém hiệu quả, khiến sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế giảm sút, còn Washington giờ có ít lựa chọn cũng như ảnh hưởng đối với những nước có tiếng nói quan trọng trong khu vực.

Lực lượng IS vẫn không ngừng lớn mạnh sau hơn 1 năm bị Mỹ và liên quân không kích (Ảnh: AP)
Lực lượng IS vẫn không ngừng lớn mạnh sau hơn 1 năm bị Mỹ và liên quân không kích (Ảnh: AP)

Trong khi đó Mátxcơva đã phái tới một căn cứ không quân mới tại Syria một lượng chiến đấu cơ ngày một đông đảo, cùng nhiều khí tài quân sự uy lực, để hậu thuẫn đồng minh lâu nay.

Trước các chính khách khắp thế giới hiện diện tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ở New York, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn khiến Washington ngỡ ngàng khi khẳng định đã đạt được thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Syria, Iran và cả Iraq, quốc gia lâu nay được xem như đồng minh của Mỹ.

Đây là một phần trong số một loạt những bước đi quyết đoán và bí mật của Tổng thống Putin, khiến ông Obama phải đối diện với cái mà giới quan sát đang gọi là sự thật nghiệt ngã: Chiến lược của Mỹ đã đến lúc phải thay đổi.

Sự tăng cường hiện diện quân sự chiến lược của Nga tại Syria, để hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar Assad, diễn ra ngay trong những ngày Liên Hợp Quốc chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Đây là nơi nhiều cường quốc quy tụ để nghe phát biểu của ông Obama hồi năm ngoái, khi người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi thế giới ủng hộ Mỹ các nỗ lực đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và vận động người Hồi giáo toàn thế giới chối bỏ tư tưởng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.

Đến nay, IS đã đánh mất một phần lãnh thổ, nhưng chưa có dấu hiệu suy yếu tại những thành trì truyền thống. Những tân binh vẫn tiếp tục đổ như “thác lũ” về tham gia cái họ gọi là jihad, trong khi tiền từ những tổ chức ủng hộ IS vẫn đổ về cùng với những nguồn thu nội tại của nhóm này.

Trong bản báo cáo điều tra của lưỡng viện Quốc hội Mỹ vừa được công bố ngày thứ Ba, nhóm đặc trách do Ủy ban an ninh nội địa, Hạ viện phụ trách khẳng định: “Bất chấp các nỗ lực hỗn hợp để ngăn chặn dòng chảy đó, chúng ta đã thất bại lớn trong việc ngăn chặn người Mỹ ra nước ngoài đầu quân cho các nhóm jihad”.

Báo cáo khẳng định, chỉ trong 9 tháng vừa qua, 7000 phần tử nước ngoài đã gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Syria và Iraq, trong số này có hơn 250 người Mỹ.

“Chính sách của Mỹ phải thay đổi”

Dù tỏ ra cứng rắn trong phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong một phát biểu hôm thứ Ba, ông Obama có vẻ đã phải chuyển giọng.

Dù muốn hay không, Mỹ sẽ phải bắt tay Nga trong cuộc chiến chống IS (Ảnh: EPA)
Dù muốn hay không, Mỹ sẽ phải bắt tay Nga trong cuộc chiến chống IS (Ảnh: EPA)

“Chúng ta đang đối mặt với một thử thách ghê gớm. Chúng ta phải có cái nhìn rõ ràng về thực tế rằng đây là công việc rất khó khăn. Việc này không thể được giải quyết trong một sớm một chiều, bởi đây không chỉ là một chiến dịch quân sự mà chúng ta tham gia”, ông Obama nói, và cho biết thêm rằng đang có “những thay đổi sâu sắc” diễn ra tại Trung Đông và Bắc Phi.

Tuyên bố này có phần khác những phát biểu trước đó của Obama tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vội vã ở Washington hồi tháng 2, khi ông ca ngợi liên minh mà Mỹ đã giúp thiết lập để tiến hành các vụ không kích nhắm vào IS.

Quả thực, nhiều nhà quan sát đang tỏ ra hoài nghi, liệu những tuyên bố hùng hồn là đủ để dẫn dắt bất kỳ liên minh khu vực nào, nhất là sau khi có thông tin nhiều nhà hoạch định chiến tranh đã bóp méo thông tin tình báo về sức mạnh của IS.

Hôm 10/9, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đã phải yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tình báo cung cấp “thông tin không tô vẽ”, sau khi tờ The Daily Beast đăng tải hôm 9/9 rằng hơn 50 nhà phân tích tình báo của Bộ chỉ huy trung tâm quân đội Mỹ khiếu nại việc thông tin tình báo về IS bị chỉnh sửa, để giúp chiến dịch tấn công nhóm khủng bố này được “bật đèn xanh”.

“Chúng ta không có bất kỳ đòn bẩy nào tại Syria”, Gordon Adams, một chuyên gia khu vực Trung Đông, cố vấn của cựu Tổng thống Bill Clinton khẳng định. “Chúng ta đang vận hành một chính sách mà không có gì rõ ràng. Chính sách của Mỹ phải thay đổi”, vị giáo sư Đại học Mỹ nói.

Nga đã điều nhiều chiến đấu cơ tới bảo vệ một căn cứ tại Syria (Ảnh: Wiki)
Nga đã điều nhiều chiến đấu cơ tới bảo vệ một căn cứ tại Syria (Ảnh: Wiki)

Ai sẽ đánh bại IS?

Kế hoạch trị giá 500 triệu USD của Mỹ nhằm huấn luyện 5400 binh sỹ đối lập tại Syria trước cuối năm 2015 đến nay đã thất bại hoàn toàn. Trong một thông cáo ngày 29/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook xác nhận: “trong lúc rà soát lại chương trình này, chúng tôi đã tạm dừng việc di chuyển các tân binh từ Syria”.

Washington vẫn chưa, và có khả năng sẽ không thể và không nên triển khai binh sỹ đến Syria tham chiến trên bộ, nhưng vẫn phải đối đầu với những lực lượng cực đoan có tổ chức như Jabhat al-Nusrah và các phẩn tử al-Qaeda khác trong khu vực.

Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập xê út đang ngày càng tỏ ra hoài nghi trước sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực, nhất là trong hoạt động hỗ trợ quân sự trực tiếp cho một nhóm những chiến binh người Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là phần tử khủng bố. Iran, một nước có tiếng nói lớn khác trong khu vực, đương nhiên không lắng nghe Washington.

Những thực tế trên có khả năng là nguyên nhân buộc ông Obama phải có một thừa nhận khác trong ngày thứ Ba, rằng “chúng ta đã sẵn sàng phối hợp với tất cả các nước, bao gồm Nga và Iran để tìm một cơ chế chính trị”, cho quá trình chuyển tiếp tại Syria.

“Ngài Tổng thống và ngoại trưởng Kerry đang nỗ lực hết sức có thể để tiếp tục duy trì một vai trò yếu bất thường”, ông Adams nhận định. “Cho dù người ta có không muốn thừa nhận đến đâu, Vladimir Putin đã giành được thế thượng phong”.

Tuy vậy, ảnh hưởng từ việc Nga tăng cường hiện diện tại Syria, cũng như sự ủng hộ Mátxcơva dành cho ông Assad tới đâu đến nay vẫn chưa rõ ràng.

“Chúng ta đơn giản là không thể biết cho tới khi được thấy sự tham gia thực sự của người Nga cũng như những rủi ro họ sẵn sàng chấp nhận”, Anthony Cordesman, một cố vấn an ninh quốc gia của Quốc hội Mỹ, bộ ngoại giao và Lầu Năm góc cho biết. “Vấn đề với bất kỳ tình huống nào còn ở chỗ cho dù ý định hiện tại ra sao, luôn có nguy cơ xảy ra leo thang”.

Hiện chính quyền của ông Assad chỉ còn kiểm soát khoảng 1/4 lãnh thổ sau hơn 4 năm nội chiến. Các khu vực của người Kurd tại miền bắc đã phải chiến đấu với quân chính phủ để tồn tại, còn các chiến binh đối lập lại không đoàn kết trong khi IS không hề có dấu hiệu sẵn sàng đàm phán. Ông Assad có thể giành thêm quyền kiểm soát với sự hậu thuẫn của Nga, nhưng khó lòng một lần nữa thực sự làm chủ toàn bộ Syria.

Dù vậy đến nay, với những động thái của mình, Nga đã gặt hái những thành công lớn, Cordesman nhận định. “Họ đã cho mọi người trong khu vực thấy rằng Nga đang khẳng định mình, và sẵn sàng bảo vệ căn cứ của mình. Họ đang thực sự đối phó với Mỹ một cách trực diện”.

Thanh Tùng

Theo USNews, AP

 

Nga trở lại mạnh mẽ tại Syria, Mỹ “phá sản” trong chính sách chống IS - 4