1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tính trang bị đầu đạn siêu thanh cho tên lửa "quỷ Satan"

(Dân trí) - Nga có thể sẽ lắp thiết bị tấn công siêu thanh thế hệ mới lên tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat, động thái có thể khiến vũ khí này giống như “hổ mọc thêm cánh”.

Nga tính trang bị đầu đạn siêu thanh cho tên lửa quỷ Satan - 1

Tên lửa Sarmat trong một vụ phóng thử (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Sputnik dẫn phát ngôn ngày 15/12 của Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga Sergei Karakaev cho biết tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của Nga sẽ có thể mang được nhiều đầu đạn, trong đó có đầu đạn siêu thanh thế hệ mới trong tương lai.

“Tổ hợp tên lửa hạng nặng Sarmat mới sẽ sánh ngang với các hệ thống tiền nhiệm và có rất nhiều đặc tính vượt trội hơn hẳn. Ví dụ, ngoài các loại đầu đạn sẵn có, Sarmat có thể mang đầu đạn siêu thanh thế hệ kế tiếp”, ông Karakaev cho hay.

Hồi tháng 6 năm nay, Nga lần đầu tiết lộ cho công chúng về các đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật của Sarmat. Cụ thể, tên lửa Sarmat có tầm tấn công là 18.000 km với tổng khối lượng khi phóng đi là 208,1 tấn. Đầu đạn hiện tại của Sarmat nặng gần 10 tấn. Sarmat dài 35,5 mét, đường kính 3 mét và tải trọng nhiên liệu là 178 tấn.

RS-28 Sarmat được Nga phát triển từ khoảng những năm 2009 và là phiên bản nâng cấp của tên lửa RS-36M, được NATO gọi với biệt danh "quỷ Satan" vào những năm 1970. Sarmat là một trong những vũ khí mới trong kho khí tài chiến lược của Nga mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ năm 2018. Sarmat được cho là sẽ thay thế cho tên lửa hành trình Voyevoda đã lỗi thời. Lô tên lửa Sarmat được sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ gia nhập quân đội Nga vào năm 2021.

Trước đó, truyền thông Nga đã cung cấp nhiều thông tin về Sarmat, trong đó có dữ liệu rằng tên lửa này có thể có sức công phá tương đương 8 triệu tấn thuốc nổ TNT. Tên lửa này có thể mang theo 10 đầu đạn lớn, 16 đầu đạn nhỏ.

Ngoài ra, Sarmat cũng được cho là tên lửa có độ chính xác gần như tuyệt đối nhờ hệ thống vệ tinh toàn cầu GLONASS dẫn đường. Độ lệch tối đa của hệ thống này chỉ vào khoảng 10 mét.

Nga phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat

Đức Hoàng

Theo Sputnik