Nga tính siết quy định về thu nhập của "đại diện nước ngoài"
(Dân trí) - Giới nghị sĩ Nga muốn thắt chặt hơn nữa các quy tắc quản lý thu nhập của những người được coi là "đại diện nước ngoài".
Trong tuyên bố đưa ra hôm 13/12, Chủ tịch Duma Quốc gia (Quốc hội) Nga Vyacheslav Volodin đã xác nhận thông tin này.
"Luật pháp Nga yêu cầu bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào nhận được hỗ trợ từ bên ngoài nước Nga hoặc bị coi là chịu ảnh hưởng của nước ngoài phải đăng ký là đại diện nước ngoài", theo luật đại diện nước ngoài của Moscow.
Nga cho biết luật này ít nghiêm ngặt hơn so với Đạo luật Đăng ký Đại diện nước ngoài (FARA) của Mỹ năm 1938, trong đó yêu cầu một số cá nhân và tổ chức phải đăng ký là "đại diện nước ngoài".
Theo luật của Nga, đại diện nước ngoài là cá nhân hoặc tổ chức có sự kiểm soát của nước ngoài hoặc nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nước ngoài, dù là tối thiểu nhất.
Trong khi FARA chủ yếu áp dụng cho những người vận động hành lang chuyên nghiệp và cố vấn chính trị làm việc cho các chính phủ nước ngoài, thì luật pháp của Nga ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, tổ chức truyền thông, nhà báo và cá nhân tư nhân.
Ông Volodin cho biết Duma đang tìm cách thắt chặt các quy tắc hơn nữa so với đề xuất ban đầu.
Ban đầu, đề xuất này là buộc tất cả "đại diện nước ngoài" phải sử dụng tài khoản bằng đồng ruble để nhận thu nhập từ hoạt động trí tuệ, bao gồm sản phẩm thương hiệu, tác phẩm khoa học, văn học và nghệ thuật, biểu diễn, phát sóng, phát minh và nhãn hiệu.
"Các nghị sĩ giờ đây muốn tiến xa hơn nữa", ông Volodin cho biết.
Các đề xuất bổ sung gồm yêu cầu một "đại diện nước ngoài" phải chuyển toàn bộ thu nhập từ việc bán bất động sản, xe, mọi thu nhập từ việc cho thuê, lãi tiền gửi và cổ tức vào các tài khoản này.
Những người ủng hộ cho biết luật "đại diện nước ngoài" là cần thiết để chống lại các nỗ lực can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của Nga, trong bối cảnh mà Moscow coi là cuộc xung đột ở Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và phương Tây.