Nga tiết lộ quốc gia có thể là khách hàng đầu tiên mua "rồng lửa" S-500
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov đã tiết lộ khách hàng đầu tiên mà nước này có thể bán hệ thống phòng thủ S-500, lá chắn hiện đại có khả năng hạ gục hàng loạt mục tiêu ở mọi độ cao và tốc độ.
Trả lời phỏng vấn kênh RBC ngày 13/12, ông Borisov nói rằng, Ấn Độ có thể sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 của Nga.
"Không có gì nghi ngờ, một khi chúng ta bàn giao S-500 cho quân đội, Ấn Độ sẽ là quốc gia đầu tiên trong danh sách (Nga bán S-500) nếu họ thể hiện mong muốn mua lá chắn hiện đại này", ông Borisov trả lời khi được hỏi liệu Ấn Độ có phải là khách hàng mua S-500 đầu tiên hay không.
Phó Thủ tướng Nga cũng cho biết, ông không đồng ý với kết luận của các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hồi đầu tháng này rằng các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Nga đã và đang chứng kiến doanh số bán vũ khí của họ trên thị trường vũ khí toàn cầu giảm sút.
"Tôi không đồng ý với kết luận của họ vì họ không tính đến nhiều thứ mà tôi biết. Dữ liệu thống kê của chúng tôi cho thấy chúng ta có một số lượng hợp đồng dài hạn ổn định. Các khách hàng hàng đầu nhập khẩu vũ khí Nga đều có hợp đồng dài hạn với chúng ta", ông Borisov nói.
Hồi tháng 7, Tư lệnh lực lượng phòng phủ tên lửa của không quân Nga, Thiếu tướng Sergei Babakov, cho biết lá chắn S-500 Prometheus do nhà thầu Almaz-Antey sản xuất hiện là hệ thống phòng không hoàn toàn mới có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm trung và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa ở giai đoạn cuối của đường bay. Ngoài ra, S-500 cũng có thể tiêu diệt mục tiêu siêu vượt âm và máy bay không người lái (UAV).
"Lá chắn S-500 có khả năng tiêu diệt mọi loại vũ khí siêu vượt âm, kể cả ở độ cao cận không gian. Nga tự tin nói rằng hệ thống này rất độc đáo", ông Babakov cho hay.
Trước đó, truyền thông Nga đưa tin, S-500 có thể tấn công mục tiêu tên lửa đạn đạo đối thủ trong khoảng cách 600 km và máy bay ở khoảng cách 500 km. Ngoài ra, Nga cũng đã áp dụng kinh nghiệm thực chiến thu được tại Syria để tiến hành các bài thử nghiệm với S-500.
Giới chuyên gia nhận định, S-500 sẽ giúp bảo vệ khu vực biên giới Nga với NATO khỏi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo. Họ cũng cho rằng, S-500 không thể được xem là hệ thống "kế nhiệm" S-400 một cách thuần túy, vì nó là vũ khí hoàn toàn mới, được thiết kế để thực hiện hàng loạt hoạt động tác chiến chiến lược.