1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga tiết lộ điều kiện chấp thuận đưa binh lính nước ngoài tới Ukraine

Anh Minh

(Dân trí) - Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào về việc triển khai binh lính nước ngoài tới Ukraine.

Nga tiết lộ điều kiện chấp thuận đưa binh lính nước ngoài tới Ukraine - 1

Lính Ukraine bắn pháo D-30 về hướng Toretsk (Ảnh: Anadolu).

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzia ngày 10/2 cho biết, Moscow sẽ coi bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào triển khai ở Ukraine mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ là "mục tiêu hợp pháp".

"Các binh lính của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không thể hoạt động nếu không được phép của Hội đồng Bảo an. Nếu không như vậy, bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào được cử vào khu vực chiến sự sẽ đều bị coi là những binh sĩ bình thường theo luật pháp quốc tế và là mục tiêu quân sự hợp pháp đối với lực lượng vũ trang của chúng tôi", ông Nebenzia nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti.

Nga hiện là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, điều này đồng nghĩa với việc Moscow có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào về việc triển khai quân đội nước ngoài tới Ukraine.

Tháng trước, Daily Telegraph đưa tin, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đàm phán về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine và có thể diễn ra sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lại cho rằng bất kỳ thảo luận nào về việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Đức đến Ukraine đều là "quá sớm và không phù hợp".

Trong khi đó, nhiều phương tiện truyền thông từng đăng tải thông tin cho thấy một trong những điểm chính trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tới đây, ngoài việc đề xuất ngừng xem xét tư cách thành viên NATO của Ukraine và đóng băng xung đột dọc theo chiến tuyến hiện tại.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow "tất nhiên là không hài lòng" với các đề xuất hoãn tư cách thành viên NATO của Kiev cũng như triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây đến Ukraine.

Nga nhiều lần nhấn mạnh Ukraine phải cam kết duy trì quy chế "trung lập vĩnh viễn, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa và công nhận thực tế lãnh thổ trên thực địa".

Moscow cũng đã loại trừ khả năng đóng băng xung đột bởi vì điều này sẽ cho phép Kiev tái vũ trang và chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc đụng độ khác với Nga.