1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Bắt tay trong những bất đồng

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây đang được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, từ đó đạt được sự đồng thuận về việc bình thường hóa quan hệ.

Trước đó, Tổng thống Erdogan đã lên tiếng xin lỗi vì cái chết của viên phi công Nga trong vụ máy bay Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại khu vực biên giới của Syria ngày 24-11-2015.

Gần như ngay lập tức lệnh cấm bán tour du lịch trọn gói đến Thổ Nhĩ Kỳ được bãi bỏ và có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông sản thực phẩm và cấm các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ cá nhân giữa ông Putin và Erdogan có thể sẽ sâu sắc hơn với việc ông Erdogan công khai cho biết ông cảm thấy thất vọng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Nga đã nhanh chóng lên án cuộc đảo chính hơn các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn thế nữa, trong khi phương Tây lên tiếng nghi ngại về chiến dịch thanh trừng của ông Erdogan hậu đảo chính thì Nga không đề cập gì đến vấn đề này.

Trong bối cảnh này, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình khôi phục quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác song phương hoàn toàn mới.

Dấu hiệu tích cực

Quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay quân sự Su-24 của Nga đang tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria hồi tháng 11-2015.

Gần đây quan hệ đã có dấu hiệu cải thiện sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 27-6 gửi một bức thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin xin lỗi về sự cố quân sự trên.

Trong bức thư, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ông muốn làm “mọi thứ có thể để khôi phục quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước”, đồng thời nêu rõ Ankara không bao giờ cố tình bắn hạ máy bay Nga.

Đáp lại, Tổng thống Putin đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời giao cho Chính phủ Nga tiến hành đàm phán nhằm từng bước nới lỏng các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng 7, một chuyến bay chở khách du lịch của Nga đã đến Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên kể từ khi bùng phát khủng hoảng ngoại giao 8 tháng trước. Đây là bước đi thực chất đầu tiên xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, bước vào thời kỳ khôi phục quan hệ song phương sau gần một năm căng thẳng.

Động thái quan trọng nhất cho thấy sự ấm dần của mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ là việc ông Erdogan đã có cuộc gặp người đồng cấp Putin tại thành phố St. Petersburg.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ông Erdogan, nhà lãnh đạo Nga cho biết hai nước đã trải qua một thời khắc rất khó khăn nhưng đã đến lúc thay đổi vì nhân dân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như vì lợi ích lâu dài của hai bên trong mối quan hệ láng giềng tốt đẹp.

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt mà Nga áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24, Tổng thống Nga cho biết ưu tiên lớn nhất là đưa quan hệ hai nước về mức “yên ổn” trước khi xảy ra vụ Su-24.

Có thể nói đặc trưng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây là những lời cáo buộc lẫn nhau đầy căng thẳng. Moscow gọi vụ máy bay bị bắn rơi ở Syria là hành động “đâm sau lưng đồng lõa với khủng bố” của Ankara.

Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra lời xin lỗi, Moscow vẫn... lên tiếng chỉ trích Ankara mới thực hiện được điều đầu tiên trong ba điều kiện để Nga bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ gồm: xin lỗi, xử lý những người phạm tội và bồi thường.

Thế nên, cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga được trông đợi sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước.

Một giai đoạn mới?

Hiện tại, Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều điểm tương đồng. Do lệnh cấm vận của Moscow (đánh mạnh vào ngành du lịch), tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ giảm 0,3% trong năm 2016, với thiệt hại kinh tế lên tới 9 tỷ USD.

Về phía Nga, các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây gây thiệt hại ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm. Giá dầu thô giảm mạnh cũng làm Nga mất đi từ 90 tỷ đến 100 tỷ USD mỗi năm. Đó là lý do vì sao ngay khi có điều kiện là quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ lập tức đổi chiều, hướng theo tín hiệu mà lợi ích quốc gia phát đi.

Tổng thống Nga Putin cho biết, hai bên đang tiến hành thảo luận nhằm mở rộng quan hệ về kinh tế, cũng như đang hợp tác nhằm sớm khôi phục lại các chuyến bay thương mại từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố hai bên sẽ có những bước đi hướng tới việc giải quyết vấn đề đầu tư chung cũng như thực thi các mối quan hệ kinh tế khác, đồng thời tham vọng sẽ khôi phục mục tiêu thương mại song phương hai nước là 100 tỉ USD. Ông Erdogan cũng cho biết, một dự án khí đốt với Nga cũng sẽ sớm thành hiện thực.

Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác trong mối quan hệ với Nga, và sự đoàn kết giữa hai nước có thể góp phần giải quyết những vấn đề của khu vực.

Cuộc gặp Tổng thống Nga đã diễn ra toàn diện và mang lại nhiều lợi ích. Ông Erdogan tin tưởng quan hệ hai nước không chỉ bình thường hóa mà còn được tăng cường và có thể chống chọi với các cuộc khủng hoảng.

Chưa hết, cải thiện mối quan hệ với Nga có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được lợi thế trong bàn đàm phán với EU liên quan đến việc gia nhập khối cũng như cơ chế miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, điều này khiến các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Mỹ, đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mối quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều lãnh đạo phương Tây lên tiếng chỉ trích chiến dịch “thanh lọc” tại Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính, trong khi một số nước còn kêu gọi dừng các cuộc đối thoại về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ với EU.

Việc Tổng thống Erdogan quyết định thăm Nga vào thời điểm này có thể là thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ gửi các đối tác phương Tây rằng, nước này có thể có những lựa chọn chiến lược khác.

Về phía mình, Nga vốn nhiều lần chỉ trích bước đi của NATO lôi kéo các nước Đông Âu sát biên giới với Nga. Việc hướng sự chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên quan trọng trong NATO - quay sang hợp tác với Nga được cho là bước đi chiến lược của Tổng thống Putin.

Bất đồng còn đó

Dù đang công khai tìm cách hàn gắn mối quan hệ nhưng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn rất nhiều bất đồng chưa tìm được tiếng nói chung. Cuộc “chiến tranh lạnh” về vấn đề Syria vẫn đang diễn ra khi Moscow bí mật chỉ trích Ankara vì tiếp tục cung cấp vũ khí và những kẻ khủng bố vào Syria.

Tổng thống Erdogan đã xin lỗi sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại khu vực biên giới của Syria ngày 24-11-2015.
Tổng thống Erdogan đã xin lỗi sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại khu vực biên giới của Syria ngày 24-11-2015.

Điều này phản ánh thực tế rằng Moscow và Ankara vẫn còn chia rẽ sâu sắc về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đã và đang nhận được sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Nga khi các lực lượng của ông chiến đấu với những phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ vũ trang và hậu thuẫn.

Phía Ankara đã được hối thúc xem xét lại vai trò của người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan ở Syria và kêu gọi cho phép nhóm này tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Ankara coi Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria là tổ chức khủng bố, cho rằng PYD đang tích cực chống lại sự thúc đẩy xây dựng một nhà nước của người Kurd ở Syria, và sẽ kích động người Kurd thiểu số ở chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Moscow lại tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với PYD, cho rằng việc người Kurd tham gia đàm phán là một trong những điều quan trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Rõ ràng, hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin vẫn chưa vượt qua được những khác biệt lớn trong quan điểm giải quyết vấn đề Syria. Việc “bắt tay làm hòa” giữa Ankara và Moscow đều tạo ra phương tiện để hỗ trợ nhau.

Tuy nhiên khi đó, Nga sẽ phải chấm dứt hợp tác với các phiến quân người Kurd vốn là lực lượng hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chấp nhận việc ông Assad tiếp tục cầm quyền hoặc một người khác được Moscow chấp nhận.

Hiện cả Ankara và Moscow được cho là cần sự thống nhất và ổn định ở Syria. Việc tiếp diễn cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria sẽ khiến thêm nhiều binh sĩ Nga thiệt mạng cũng như lây lan chủ nghĩa khủng bố, ly khai và mất ổn định đối với Thổ Nhĩ Kỳ, và rộng hơn là toàn khu vực.

Chính vì vậy, hòa bình ở khu vực Trung Đông được cho là cần thiết cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, trở thành nền tảng hợp tác chính trị giữa hai nước…

Theo Doãn Anh

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm