1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đổi chiều quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Quyết định của Tổng thống Nga V. Putin chính thức dỡ bỏ lệnh cấm du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ cho công dân Nga và từng bước nới lỏng các biện pháp trừng phạt Ankara cho thấy tình trạng đóng băng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang tan nhanh.

Hàng nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ đang có cơ hội quay lại nước Nga
Hàng nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ đang có cơ hội quay lại nước Nga

Theo thông báo của Điện Kremlin, Tổng thống V. Putin đã sửa đổi sắc lệnh “Về các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia của Liên bang Nga và bảo vệ công dân Nga khỏi các hành động phạm pháp cùng các biện pháp kinh tế đặc biệt trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ”. Sắc lệnh này được ông V. Putin ký thông qua cách đây 7 tháng, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga đang tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria.

Động thái của Nga diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 27-6 gửi một bức thư xin lỗi tới ông V. Putin. Trong bức thư, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ông muốn làm “mọi thứ có thể để khôi phục quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước”, đồng thời nêu rõ Ankara không bao giờ cố tình bắn hạ máy bay Nga.

Có thể nói đặc trưng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây là những lời cáo buộc lẫn nhau đầy căng thẳng. Mátxcơva gọi vụ máy bay của mình bị bắn rơi ở Syria là hành động “đâm sau lưng” và “đồng lõa với khủng bố” của Ankara. Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra lời xin lỗi, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ A. Karlov vẫn nhắc lại rằng Ankara mới thực hiện được điều đầu tiên trong 3 điều kiện để Nga bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ gồm: xin lỗi, xử lý những người phạm tội và bồi thường, và rằng Mátxcơva “đang chờ điều thứ hai và thứ ba”.

Tâm lý căng thẳng, đối đầu còn khá lớn. Tuy nhiên, xem ra thì sự ràng buộc về lợi ích giữa đôi bên còn lớn hơn. Trước hết là với Thổ Nhĩ Kỳ, theo thống kê, chỉ riêng ngành du lịch, mỗi năm có tới gần 5 triệu du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 12% tổng du khách nước ngoài của nước này. Do lệnh cấm vận của Mátxcơva, tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ giảm 0,3% trong năm 2016, với thiệt hại kinh tế lên tới 9 tỷ USD.

Về phía Nga, dù ở tư thế bề trên trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nước này cũng đang phải đối mặt với sức ép rất lớn về kinh tế. Theo ước tính, các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây gây thiệt hại ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm cho Nga. Giá dầu thô giảm mạnh cũng làm Nga mất đi từ 90 tỷ - 100 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại là khách hàng năng lượng quan trọng của Nga.

Đó là chưa kể những ràng buộc về an ninh. Theo kết luận điều tra, 3 kẻ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế Ataturk của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28-6 vừa qua là đến từ Nga, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Ngay sau vụ khủng bố trên, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga N. Patrushev đã điện cho người đứng đầu Hội đồng An ninh Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hai nước hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đó là lý do vì sao ngay khi có điều kiện là quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ lập tức đổi chiều, hướng theo tín hiệu mà lợi ích quốc gia phát đi. Nó hoàn toàn phù hợp với những điều chỉnh trong Chiến lược đối ngoại của Nga mà Tổng thống V. Putin vừa đưa ra hôm 30-6 tại hội nghị các đại sứ và đại diện ngoại giao của Nga ở nước ngoài. Theo đó, trong sự đa dạng và phức tạp của các vấn đề quốc tế cùng những thách thức và nguy cơ mà Nga đang phải đương đầu, Mátxcơva sẽ rất linh hoạt trong điều chỉnh chính sách ngoại giao, nhất là khi liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo và thông tin.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm