Nga tập trung phát triển phương tiện xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Ria Novosti, lãnh đạo nhóm phát triển thuộc Quỹ phát triển các Dự án tương lai của Nga, Boris Satovsky khẳng định, Moscow đang nghiên cứu phát triển các loại phương tiện bay siêu vượt âm có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
“Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu này. Chính vì vậy, Quỹ đang dành nguồn tài chính cho một số dự án nghiên cứu và phát triển các thiết bị khí động lượn có khả năng bay ở tốc độ siêu thanh”, ông B. Satovsky phát biểu bên lề Ngày kỷ niệm của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga.
Theo lời ông B. Satovsky, công nghệ vũ khí hiện đại đang tiến tới gian đoạn “cửa sổ”, khi các bước tiến vượt bậc về công nghệ đang làm định nghĩa lại thế nào là vũ khí chiến lược. Tiến trình này đang tạo ra một loại dạng vũ khí mới chưa từng có trong lịch sử, trong đó nổi bật nhất là các loại phương tiện lượn siêu thanh có khả năng cơ động quỹ đạo trang bị trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
"Nhờ các ưu điểm vượt trội, các phương tiện bay siêu vượt âm có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, kể cả các hệ thống được cho là hiệu quả nhất hiện nay. Điều này đảm bảo ưu thế chiến lược của dòng vũ khí này trong vòng 30-40 năm tới”, ông B. Satovsky nói.
Từ các thông tin công khai, trong năm 2016, Quân đội Nga đã hai lần thử nghiệm thiết bị lượn siêu thanh để thay thế cho các dòng đầu đạn hạt nhân truyền thống và chúng sẽ được trang bị trên ICBM thế hệ mới Sarmat. Khả năng cơ động trước khi tiếp cận bầu khí quyển Trái đất chính là yếu tố giúp thiết bị lượn siêu thanh có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa.
Cần nhấn mạnh rằng, tốc độ bay của các thiết bị siêu thanh mới thường vượt qua ngưỡng Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Trong bầu khí quyển Trái đất, tốc độ âm thanh được xác định ở ngưỡng 300m/giây.
Theo Như An/Ria.ru
Quân đội nhân dân