1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga tăng ngân sách quốc phòng

An Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt tăng chi tiêu quân sự, chiếm 30% tổng ngân sách năm 2024 trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Nga tăng ngân sách quốc phòng - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/11 ký phê duyệt tăng đáng kể chi tiêu cho mục đích quân sự. Kế hoạch phân bổ ngân sách này đã được các nhà lập pháp ở quốc hội Nga phê duyệt.

Theo đó, chi tiêu quốc phòng trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng gần 70% so với năm 2023, và chiếm khoảng 30% năm ngân sách tài chính của năm tới.

Moscow đang tích cực chuyển hướng nguồn lực hơn để phục vụ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chi tiêu cho quốc phòng và an ninh kết hợp dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% tổng chi ngân sách cho năm 2024.

Nga đặt mục tiêu doanh thu đầy tham vọng khoảng 391 tỷ USD cho năm tới, tăng 22,3% theo kế hoạch so với cùng kỳ năm 2023, dựa trên các giả định về giá dầu tăng. Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Nga có thể sẽ buộc phải tăng thuế kinh doanh nếu muốn con số này đạt mục tiêu đề ra.

Áp lực đè nặng lên Ukraine và NATO

Trong một diễn biến khác, sức mạnh khí tài vượt trội của Nga đang gây lo ngại nhất định cho Ukraine và các đồng minh NATO.

Phát biểu trước ngoại  trưởng các nước thành viên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 27/11 cho rằng Ukraine không thể tiến lên trên chiến tuyến dù có được sự hỗ trợ mạnh mẽ của khối. Theo ông Stoltenberg, đây là nguyên nhân mà các quốc gia đồng minh không được đánh giá thấp Moscow và cần tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Ông Stoltenberg cho rằng ngành công nghiệp Nga đã được "quân sự hóa" và "nhận được một lượng đạn dược đáng kể từ phía Triều Tiên" - cáo buộc mà Moscow và Bình Nhưỡng đã bác bỏ.

"Điều này khiến Ukraine khó đạt được những lợi ích về lãnh thổ mà tất cả chúng ta đều kỳ vọng. Nhưng hãy yên tâm, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng thông điệp mà các đồng minh NATO muốn gửi đi từ cuộc họp này sẽ là chúng ta cần sát cánh với Ukraine", Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Trước đó, Kiev cáo buộc Washington và các đồng minh châu Âu không cung cấp đủ vũ khí chiến đấu. Đáp trả lại, ông Stoltenberg cho biết Ukraine đã nhận được những vũ khí tiên tiến nhất, bao gồm tên lửa hành trình, thiết bị phòng không và sẽ sớm nhận được máy bay F-16.

Trong khi đó, Washington cáo buộc Kiev lạm dụng vũ khí do phương Tây cung cấp, đặc biệt là không tập trung lực lượng xe tăng ở các vùng đột phá, mà phân tán các đơn vị chiến đấu bất hợp lý ở một số chiến trường.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm