1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga: Sẽ đáp trả nếu lợi ích tại Ukraine bị tấn công

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm nay 23/4 cho biết Nga sẽ đáp trả theo luật quốc tế nếu lợi ích của Nga ở Ukraine bị tấn công, giống như trường hợp ở Nam Ossetia năm 2008. Ông cũng cáo buộc Mỹ đang "điều khiển màn kịch" ở Kiev.

Nga cáo buộc Mỹ “điều khiển màn kịch” ở Kiev

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trước) và quyền Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk rời một cuộc họp báo chung ở Kiev vào ngày 22/4.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình tiếng Anh Russia Today (Nước Nga ngày nay), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Ukraine đã quyết định tái triển khai các hoạt động quân sự nhằm vào những người biểu tình đòi ly khai ở miền đông Ukraine trong thời gian Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Kiev.

“Điều này có nghĩa là chúng ta không có lý do để không tin rằng người Mỹ đang điều khiển màn kịch theo cách trực tiếp nhất”, ông Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn dự kiến sẽ được phát sóng vào cuối ngày hôm nay. Một phần của cuộc phỏng vấn đã được các hãng tin Nga đăng tải.

Ngoại trưởng Nga cũng tái khẳng định quan điểm của Mátxcơva cho rằng chính phủ Ukraine đã không thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào theo thỏa thuận đạt được ở Geneva vào tuần trước. Thỏa thuận đạt được tại Geneva là nhằm tháo ngòi căng thẳng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Nếu bị tấn công Nga sẽ đáp trả

Trang web của Russia Today cũng dẫn lời ông Lavrov cho biết nếu bị tấn công, Nga sẽ phản ứng theo đúng luật pháp quốc tế.

“Nếu chúng tôi bị tấn công, chắc chắn chúng tôi sẽ trả đũa. Nếu các lợi ích hợp pháp của chúng tôi, các lợi ích của người Nga bị tấn công trực tiếp, giống như tại Nam Ossetia, tôi không nhìn thấy bất kỳ cách nào khác là phải đáp trả phù hợp theo luật pháp quốc tế”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói.

“Nếu các công dân Nga bị tấn công, đó như một cuộc tấn công nhằm vào Liên bang Nga”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Nói về việc tăng cường quân đội tại biên giới Nga-Ukraine, ông Lavrov cho biết các binh Nga vẫn ở trong lãnh thổ Nga và chưa hề vượt qua biên giới Ukraine.

5 tỷ đầu tư của Mỹ vào Ukraine không được đền đáp

Trong khi đó đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Rossiya 24, cũng cáo buộc Mỹ chịu trách nhiệm cho những gì diễn ra ở Ukraine khi đã đầu tư 5 tỷ USD nhằm thay đổi chế độ ở đất nước này.

“Có vẻ như chính người Mỹ đã cố gắng thúc đẩy viễn cảnh cấp tiến nhất. Họ không muốn bất kỳ thỏa hiệp nào giữa Tổng thống bị lật đổ Yanukovich và phe đối lập. Và tôi nghĩ rằng, họ đã đi đến kết luận, đã đến lúc tuồn 5 tỷ USD này và giải quyết vấn đề theo hướng thay đổi ngay chế độ. Và điều đó đã xảy ra”, ông cho hay.

Theo ông, đây là lý do vì sao Mỹ, chứ không phải Liên minh châu Âu, đóng vai trò trung tâm trong cuộc lật đổ ông Yanukovich và thành lập chính quyền bất hợp pháp ở Kiev.

Hôm thứ hai vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về các vấn đề châu Âu và Âu Á của Mỹ, bà Victoria Nuland, tiết lộ với kênh CNN rằng Washington đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD để hỗ trợ nền dân chủ ở Ukraine kể từ khi Liên Xô tan rã.

Tuy nhiên, ông Churkin nghi ngờ tuyên bố của bà Nuland, cho rằng “bất kỳ ai có đầu óc lành mạnh ít nhất cũng thấy rằng những khoản đầu tư đó không được đền đáp”.

“Nếu 5 tỷ đó được chi cho hỗ trợ dân chủ, mà không phải là lật đổ chính phủ và thay đổi chế độ, thì không có nền dân chủ nào được thúc đẩy ở đó (Ukraine)”, ông giải thích.

Mỹ lại dọa trừng phạt thêm Nga

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm vào ngày hôm qua 22/4 giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Kerry, ông Kerry đã kêu gọi Nga “hạ nhiệt ngôn từ làm leo thang căng thẳng, tham gia vào miền đông Ukraine theo phương thức ngoại giao…và đưa ra tuyên bố kêu gọi những người đang chiếm giữ các tòa nhà (ở miền đông Ukraine) giải giáp vũ khí”. Thông tin được một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Theo quan chức này, ông Kerry đã tái đe dọa trừng phạt thêm Nga nếu “không có tiến bộ đáng kể nào trong việc áp dụng thỏa thuận Geneva”.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo mới ở Kiev và kêu gọi Nga “ngừng nói và bắt đầu hành động” để tháo ngòi căng thẳng cuộc khủng hoảng Ukraine.

Mỹ dự kiến cung cấp thêm 50 triệu USD cho chính quyền mới ở Kiev để cải cách chính trị, kinh tế, trong đó có 11 triệu USD để giúp tiến hành cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới.

Trong một động thái khác, Washington dự kiến phái 600 binh sỹ tham gia cuộc tập trận của NATO ở 3 quốc gia vùng Baltic và Ba Lan. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quyết định là nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với NATO trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine ngày một leo thang.

Vũ Quý-An Bình
Theo AFP, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm