Ukraine trước ngã ba đường
Màn kịch hiện nay ở Ukraine đầy rẫy nghịch lý. Các lực lượng đặc biệt Nga giải phóng Crimea mà không vấp phải sự kháng cự nào và các tay súng mang quân phục chiếm các vị trí quan trọng ở khu vực miền Đông Donbass, bao gồm các cơ quan và đồn cảnh sát của các thành phố Donestk, Slovyank, và Kramatorsk.
Đụng độ xảy ra tại thành phố Slavyansk, miền đông Ukraine ngày 20/4 bất chấp thỏa thuận 4 bên đã được ký kết nhằm giải quyết khủng hoảng. Ảnh: AFP-TTXVN
Ukraine đang phải đối mặt với ba thách thức: Chính quyền không thể chế ngự được ý nguyện của người dân; chủ nghĩa dân tộc dẫn tới việc chống lại nước Nga; sự chia rẽ về quan điểm trong quan hệ kinh tế với Nga và phương Tây. Nói cách khác, Ukraine từ khi trở thành nước độc lập là ví dụ điển hình về một quốc gia đứng trước ngã ba đường: toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc và dân chủ.
Năm 1991, theo làn sóng chủ nghĩa dân tộc bắt nguồn từ phương Tây và tập trung tại thành phố Kiev, Ukraine đã làm nên lịch sử khi trở thành nhà nước ly khai quan trọng nhất thời hậu Xôviết. Các trường đại học sử dụng tiếng Ukraine như ngôn ngữ chính thức. Tại thời điểm đó, Học viện Kyiv-Mohyla, trường đại học danh tiếng nhất, từng bị Moskva cho là nơi sinh ra chủ nghĩa dân tộc, đã mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc mới đã mượn tấm áo dân chủ. Điều này có thể nhận thấy qua một số sự việc như tờ báo lá cải “Bưu điện Kiev” xuất bản các bài xã luận chỉ trích Tổng thống Leonid Kuchma, người bị cho là chủ mưu vụ sát hại dã man một phóng viên nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine, sau khi là đối tượng của một vụ đầu độc không thành, đã kích động cuộc Cách mạng Cam chống lại Kuchma; cấp phó của Tổng thống Viktor Yushchenko thì bị sát hại bằng súng. Nền dân chủ và pháp trị ở Ukraine rõ ràng đã bị lung lay.
Trong khi đó, toàn cầu hóa cũng vừa có lợi vừa có hại cho Ukraine. Ví dụ như trong khi Mỹ tiến hành chương trình giáo dục một thế hệ ưu tú mới lãnh đạo Ukraine, những sinh viên sáng giá nhất không mong muốn gì hơn ngoài việc tham gia chương trình nghiên cứu sinh đào tạo tiến sỹ tại Mỹ và không có ý định trở về quê hương.
Hiện nay, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chịu tác động của chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc phátxít mới. Mâu thuẫn nội tại của Ukraine là chính cuộc chiến đường phố, không phải bầu cử, đã khôi phục “nền dân chủ”. Hiện ba trung tâm tài chính lớn - Liên bang Nga, Liên minh Châu Âu và Bắc Mỹ - mỗi nơi chủ trương một chương trình khác biệt nhằm giúp cử tri Ukraine đưa ra quyết định lựa chọn "chính quyền" một cách sáng suốt nhất.
Người Ukraine có thể theo hướng xây dựng một liên bang Ukraine mới, có sự độc lập về chính trị và vẫn đảm bảo lợi ích từ trao đổi thương mại với cả EU và Nga.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ukraine hiện đang huy động quân lính và yêu cầu NATO viện trợ vũ khí. Chiến lược này chỉ có thể dẫn đến kết cục bi thảm. Thêm vào đó, giới lãnh đạo mới này (được sự giúp sức của Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) đang thuyết giảng về sự khó khăn tột cùng khi phải trả các khoản nợ nước ngoài vốn đã bị chính quyền trước đó “tiêu xài”. Quả thực, Ukraine có nguy cơ lặp lại thảm họa như trường hợp Hy Lạp: tình trạng hỗn loạn dẫn đến những cuộc đụng độ đẫm máu trên đường phố.
Tuy biết rằng đàm phán giảm nợ càng sớm càng tốt nhưng Ukraine đang vấp phải rào cản là các chủ nợ - Nga và phương Tây - đang trên bờ vực của cuộc chiến tranh trừng phạt. Gói cứu trợ 14-18 tỷ USD cho Ukraine mà IMF tuyên bố ngày 25/3 thực chất là khoản cho vay và IMF không bao giờ bỏ qua.
Những ưu tiên tức thì bao gồm tránh đối đầu quân sự và ngăn chặn khả năng các vùng khác của Ukraine sáp nhập vào Nga, tiếp tục triển khai và giám sát cuộc bầu cử quốc gia dự kiến vào ngày 25/5 và quan trọng là thay thế cuộc chiến tranh trừng phạt tiềm ẩn bằng những thỏa thuận thương mại, tài chính và nợ.
Cuộc chiến trừng phạt và hành động quân sự chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại cho các bên. Theo các nhà kinh tế học, bài học quan trọng thế giới đã trải qua là hòa bình và thịnh vượng bắt nguồn từ tự do thương mại chứ không phải ngược lại.