1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Nga sẽ áp đảo trong cuộc chiến với NATO”

(Dân trí) - Báo cáo mới đây của Tập đoàn RAND nhận định NATO sẽ bị lép vế trước hỏa lực vượt trội của Nga trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột ở khu vực Đông Âu.

Tổng thống Putin dùng ống nhòm theo dõi một cuộc tập trận của Nga (Ảnh: RT)
Tổng thống Putin dùng ống nhòm theo dõi một cuộc tập trận của Nga (Ảnh: RT)

Newsweek dẫn báo cáo của Tập đoàn RAND, một tổ chức nghiên cứu, phân tích và tư vấn chính sách, cho biết trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đông Âu, Nga sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế vượt trội ở vùng Baltic và sử dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” để đóng băng cuộc xung đột này.

Mặc dù không cho rằng “sự gây hấn” của Nga trong khu vực sắp tới gần, báo cáo của RAND nhấn mạnh sự phát triển trong năng lực quân sự của Nga cũng như sự sẵn sàng của Moscow nhằm đạt được các mục tiêu quân sự.

Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. NATO đã triển khai 4 nhóm tác chiến đa quốc gia ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan theo lịch trình luân phiên.

Theo báo cáo của RAND, NATO hiện duy trì khoảng 32.000 quân và 129 xe tăng ở Baltic, trong khi Nga có tới 78.000 quân và 757 xe tăng ở khu vực này.

“Nga duy trì một lực lượng vũ trang phối hợp, trong đó tập trung vào sự linh động, hỏa lực và huấn luyện để tiến hành các chiến dịch quy mô lớn. Điều này cho phép các lực lượng của Nga có lợi thế quan trọng trong các cuộc xung đột giữa các lực lượng được cơ giới hóa gần biên giới của họ”, báo cáo của RAND cho biết thêm.

Binh sĩ Mỹ tập trận gần Pabrade, Lithuania năm 2016. (Ảnh: Getty)
Binh sĩ Mỹ tập trận gần Pabrade, Lithuania năm 2016. (Ảnh: Getty)

Tác giả Scott Bosten và các cộng sự viết trong báo cáo của RAND rằng, Nga hiện triển khai lực lượng lính tình nguyện ngày càng tăng, duy trì các vũ khí được hiện đại hóa, cải thiện khả năng sẵn sàng tác chiến và phát huy kinh nghiệm đạt được từ các cuộc tập trận quy mô lớn và các chiến dịch tác chiến ở Ukraine và Syria.

Báo cáo cho biết mạng lưới hậu cần được nâng cấp của Nga cho phép nước này huy động lực lượng đông đảo tại khu vực biên giới và điều này có thể thấy rõ trong các cuộc tập trận quân sự gần đây. Quân khu phía Tây của Nga hiện là nơi đồn trú của các lực lượng không quân và bộ binh tinh nhuệ, do vậy khu vực Estonia, Latvia và Lithuania sẽ có ít cơ hội để chống chọi với một cuộc tấn công toàn diện từ Moscow, ngay cả khi có sự trợ giúp từ các đơn vị bổ sung của NATO.

Theo đánh giá của RAND, với sức mạnh hỏa lực và lợi thế “sân nhà”, Nga có thể vượt mặt và bảo đảm an ninh khu vực Baltic trước khi Mỹ và các đồng minh có cơ hội phản công. Và khi đó, cuộc xung đột đã ngã ngũ với phần thua thuộc về NATO.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, năng lực quân sự của Nga bắt đầu sụt giảm trong khi NATO mở rộng tầm ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, Moscow đang đuổi kịp NATO khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định rót khoản ngân sách lớn để xây dựng một lực lượng quân sự hiện đại.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Nga đã chi 20,9 tỷ USD, chiếm khoảng 3,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cho các lực lượng vũ trang hồi năm 2000 - năm đầu tiên ông Putin giữ chức tổng thống Nga. Tới năm 2016, Nga ước tính chi khoảng 70,3 tỷ USD cho quân đội, chiếm 5,3% GDP.

Thành Đạt

Theo Newsweek