Nga sắp biên chế siêu hạm công-thủ mạnh nhất thế giới
Theo tin từ giới quan chức quốc phòng Nga, hải quân nước này sẽ nhận tàu hộ vệ hạng nặng Đô đốc Gorshkov trong tháng 7 năm nay.
Nga biên chế tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov vào tháng 7
Theo tiết lộ của ông Alexey Rakhmanov, lãnh đạo Tổng công ty đóng tàu Nga (USC), công tác thử nghiệm tàu hộ vệ hạng nặng Đô đốc Gorshkov thuộc dự án 22.350 (Project 22.350) sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2/2017 và dự kiến tàu sẽ được bàn giao cho Hải quân Nga trong tháng 7.
Phát biểu với các phóng viên hôm 26/1, ông Rakhmanov khẳng định chắc chắn rằng, thời hạn bàn giao mới vừa được nêu đã tính đến việc hoàn thành các thử nghiệm hệ thống vũ khí, trong khi con tàu sẽ có động cơ và hệ thống động lực mới do Nga tự thiết kế, chế tạo.
Trước hết, con tàu sẽ kết thúc việc kiểm tra tại nhà máy chế tạo vào cuối tháng 2 và trở về khu vực thử nghiệm trang bị để đóng mã phù hợp cho các loại vũ khí hải quân và đưa chúng vào danh mục trang thiết bị chiến đấu của tàu, sau đó, việc chuyển giao chiếc tàu cho Hải quân sẽ diễn ra vào cuối tháng 7.
Vừa qua, tàu hộ vệ hạng nặng thế hệ mới nhất lớp Đô đốc Gorshkov, thuộc lớp tàu cùng tên, được chế tạo trong khuôn khổ Dự án 22.350 đã nhận được động cơ hoàn toàn mới, công nghệ cực kỳ tiên tiến của Nga, thay vì các động cơ thế hệ cũ do Ukraine chế tạo.
Theo ông Alexey Rakhmanov, các tàu hộ vệ thế hệ mới trong dự án 22.350 đã nhận được động cơ tuabin khí do hãng Saturn của Nga sản xuất, thay cho động cơ nhập từ đối tác Ukraine là công ty chế tạo động cơ tàu thủy Zorya-Mashprojekt.
Được biết, từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, trong giai đoạn quan hệ giữa hai nước vẫn còn tốt đẹp, hầu như tất cả các tàu chiến Nga đều nhập khẩu động cơ tuabin khí do hãng Zorya-Mashprojekt, Ukraine sản xuất và Moscow cũng chưa từng có ý định chế tạo động cơ mới.
Vào năm 2015, chính quyền Kiev đã quyết định cắt đứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, do đó, hãng Zorya-Mashprojekt không thể cung cấp động cơ tuabin khí cho Nga, dự định sẽ được lắp đặt trên các tàu khu trục dự án 22.350 và 11.356, dẫn đến các dự án này bị chậm trễ, khiến có lúc Nga định bán lại các chiến hạm đã đóng xong và đang đóng dở, nhưng chưa có động cơ, cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, chỉ sau 2 năm hãng chế tạo động cơ máy bay lừng danh Sartun của Nga (cha đẻ các động cơ máy bay phản lực dòng Al-31 và AL-41 trên máy bay dòng Su của Nga) đã chế tạo thành công động cơ tuabin khí công suất lớn trên tàu chiến hạng nặng.
Theo nhà lãnh đạo ngành đóng tàu Nga, sau các tàu thuộc lớp Đô đốc Gorshkov, các tàu hộ vệ khác thuộc lớp Admiral Grigorovich, thuộc Dự án 11356 (Project 11356) và các tàu hộ tống, tàu tự động hỗ trợ khác sẽ được cung cấp động cơ vào năm 2018
Trước đây, hải quân Nga định giá một chiến hạm lớp Đô đốc Gorshkov vào khoảng 20 tỷ rúp (gần 400 triệu USD). Như vậy, nếu lớp tàu này được xuất khẩu, đơn giá sẽ lên tới khoảng 450 triệu USD.
Tính năng tiên tiến của tàu hộ vệ lớp Đô đốc Gorshkov
Hồi cuối tháng 12/2016, Tham mưu trưởng Hải quân Nga, Phó Đô đốc Andrei Volozhin cũng cho biết, các hạng mục công việc trên tàu hộ vệ hạng nặng Đô đốc Gorshkov, thuộc dự án 22.350 sẽ kết thúc trong những tháng tới và tàu sẽ nhanh chóng được bàn giao cho Hải quân Nga.
Chiến hạm thuộc Project 22350 lớp Đô đốc Gorshkov thuộc loại tàu hộ vệ hạng nặng, được phát triển trên nền tảng lớp Krivak. Lớp tàu này do Viện thiết kế SPKB phát triển, chiếc đầu tiên của lớp này là Đô đốc Gorshkov đã được bàn giao cho Hải quân Nga thử nghiệm trang bị vũ khí.
Đô đốc Gorshkov có chiều dài tới 135m, rộng 16,4m, mớn nước 4,5m, lượng giãn nước 4550 tấn, được trang bị hệ thống động cơ đẩy tuabin khí có công suất 65.000 mã lực, cho tốc độ 29 hải lý/h. Nó có khả năng mang một trực thăng chống ngầm Kamov Ka-27 hoặc các biến thể của nó.
Các tàu lớp Đô đốc Gorshkov được lắp 2 hệ thống phóng đa năng 3S14U1 UKSK, gồm các ống phóng thẳng đứng triển khai ở phần mũi tàu, có khả năng phóng tên lửa Kalibr-NK hay Oniks (Onyx) và cả các tên lửa chống ngầm 91RTE2, có tầm phóng 50km.
Đô đốc Gorshkov có khả năng mang mỗi tàu 16 tên lửa hành trình Kalibr-NK (phiên bản tàu nổi), bao gồm phiên bản chống hạm 3M-54T có tầm phóng 660km và tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T, có phạm vi tấn công lên tới 3500km.
Ngoài hệ thống tên lửa hành trình, tàu Đô đốc Gorshkov còn được trang bị một pháo hạm Armat A-192M 130mm, hệ thống ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm Paket-NK, tổ hợp tên lửa phòng không hạm Redut-Poliment hoặc hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf hay S-350E Vityaz.
Hệ thống tên lửa phòng không hạm đa năng thế hệ mới nhất là Redut (hay còn gọi là Polyment-Redut, đặt theo tên lửa Redut và radar Polyment), là hệ thống phóng tên lửa hạm đối không tiên tiến nhất của Nga, với các tầm phóng và độ cao bắn hạ mục tiêu khác nhau.
Trong mỗi ống phóng có thể bố trí 1 tên lửa tầm trung М96Е (40-50km) hay tầm xa 9М96Е2 (120-150km), hay các tên lửa tầm ngắn 9М100 (10-15km). Các tên lửa phòng không này, có thể tạo thành các tầng lớp phòng không khác nhau, từ tầm xa đến tầm gần, từ tầm cao đến tầm thấp.
Các hệ thống phòng không hạm này được coi là nhỉnh hơn so với hệ thống tên lửa phòng không kiểu châu Âu là Aster-30, hiện đang được trang bị đại trà trên các tàu khu trục tiên tiến nhất của hải quân các nước NATO ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức...
Không chỉ có khả năng phòng không và đánh chặn tên lửa hành trình, khi cần, hệ thống phòng không hạm đa năng Polyment-Redut còn có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu mặt nước (chống hạm).
Tính năng chống hạm đã được thử nghiệm thực tế trên tàu hộ tống Soobrazitelny, thuộc Project 20380 của Hạm đội Baltic. Còn vào đầu tháng 6-2014, chiến hạm này cũng đã dùng hệ thống tên lửa phòng không đa năng Redut tiêu diệt thành công các tên lửa hành trình.
Trước đây, Hải quân Nga đang có kế hoạch đóng tới 20 tàu hộ vệ lớp Đô đốc Gorshkov, tuy nhiên sau đó đã rút xuống còn 10 chiếc. Tính đến thời điểm này mới có 2 chiếc là Đô đốc Gorshkov và Đô đốc Kasatonov đã được hoàn tất, ngoài ra, còn 2 chiếc nữa đang được đóng.
Với những tính năng trên, tàu hộ vệ hạng nặng lớp Đô đốc Gorshkov được đánh giá là tàu hộ vệ mạnh nhất, tiên tiến nhất thế giới, sánh ngang các khu trục hạm hạng nặng của các nước châu Âu.
Theo Thiên Nam
Đất Việt