1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga rút quân khỏi sân bay, sơ tán một phần phái bộ ngoại giao khỏi Syria

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga được cho là đã rút quân khỏi sân bay ở đông bắc Syria trong bối cảnh Israel không kích các mục tiêu ở khu vực này.

Nga rút quân khỏi sân bay, sơ tán một phần phái bộ ngoại giao khỏi Syria - 1

Xe quân sự Nga trên đường hướng tới tiền đồn quân sự ở Kamisli, Syria vào năm 2020 (Ảnh: Anadolu Agency).

Theo trang tin quân sự Avia Pro, các nguồn tin địa phương cho biết quân đội Nga đã bắt đầu rút quân khỏi sân bay Qamishli ở tỉnh Al-Hasakah, đông bắc Syria.

Một số hình ảnh đã ghi lại cảnh 2 máy bay vận tải quân sự Ilyushin của Nga cất cánh từ sân bay Qamishli hướng đến căn cứ không quân Khmeimim ở phía tây Syria.

Việc rút quân diễn ra trong bối cảnh có báo cáo về các cuộc không kích gần đây của Israel vào các mục tiêu ở Qamishli.

Lực lượng Israel được cho là đã thực hiện các cuộc không kích, dẫn đến suy đoán rằng lực lượng Nga đã rời khỏi địa điểm này.

Sân bay Qamishli được cho là nơi đóng quân của lực lượng Iran và Nga, khiến khu vực này trở thành mục tiêu chiến lược của Israel trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực.

Quyết định giảm sự hiện diện quân sự của Nga ở đông bắc Syria có thể liên quan đến tình hình thay đổi trong khu vực sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Động thái này đặt ra nhiều câu hỏi vì tầm quan trọng chiến lược của Qamishli như một trung tâm hậu cần.

Các nhà phân tích cho rằng việc Nga rút khỏi Qamishli có thể củng cố ảnh hưởng của các bên khác trong khu vực, bao gồm Mỹ, nước vẫn tiếp tục hỗ trợ lực lượng người Kurd, và Thổ Nhĩ Kỳ, nước từ lâu đã thể hiện sự quan tâm đến vùng lãnh thổ này.

Phản ứng của Iran cũng được chú ý. Sân bay Qamishli được coi là một địa điểm quan trọng để cung cấp viện trợ quân sự của Iran cho các đồng minh ở Syria và Li Băng.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/12 thông báo Nga đã sơ tán một phần phái bộ ngoại giao khỏi Syria, cùng với các nhà ngoại giao của Belarus, Triều Tiên và Abkhazia.

"Vào ngày 15/12, một chuyến bay đặc biệt của Lực lượng Hàng không Vũ trụ thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã sơ tán một phần phái bộ ngoại giao của Nga tại Damascus từ căn cứ không quân Hmeymim đến sân bay Chkalovsky ở Moscow", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

"Nhân sự của các phái bộ ngoại giao của Belarus, Triều Tiên và Abkhazia cũng đã được sơ tán. Đại sứ quán Nga tại Damascus vẫn tiếp tục hoạt động", tuyên bố cho biết thêm.

Nga duy trì hai cơ sở quân sự tại Syria, gồm trung tâm hậu cần của hải quân tại thành phố cảng Tartus và căn cứ không quân Khmeimim gần Jebla ở tỉnh Latakia.

Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán đã nói với hãng thông tấn Tass (Nga) rằng Moscow đang đàm phán với chính quyền mới của Syria về việc duy trì 2 căn cứ quân sự.

"Moscow đang đàm phán với chính quyền mới về việc duy trì sự hiện diện và tình trạng ban đầu của các căn cứ quân sự Nga tại Tartus và Latakia. Nga đã nhận được các đảm bảo an ninh tạm thời. Các căn cứ quân sự đang hoạt động như bình thường", nguồn tin cho biết.

Vào ngày 9/12, một nguồn tin của Tass tiết lộ, các nhóm vũ trang của phe đối lập Syria đã thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn các tỉnh Latakia và Tartus, nơi có các căn cứ quân sự của Nga. Các nhóm này đã xâm nhập vào khuôn viên của các căn cứ Nga tại Tartus và Khmeimim.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov khẳng định các căn cứ của Nga vẫn nằm trên lãnh thổ Syria và cho đến nay vẫn chưa có quyết định nào khác được đưa ra.

Quan chức Nga giải thích rằng mọi việc đều xuất phát từ thực tế là cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông vẫn chưa kết thúc và sự hiện diện cũng như căn cứ của Nga tại Khmeimim đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố quốc tế nói chung.

Vào cuối tháng 11, các nhóm đối lập vũ trang đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào các vị trí của quân đội Syria. Ngày 8/12, lực lượng này tiến vào Damascus. Các lực lượng chính phủ đã rút khỏi thành phố. Tổng thống Bashar Assad đã từ chức và rời khỏi đất nước. Chỉ thị cuối cùng của ông là việc chuyển giao quyền lực phải diễn ra trong hòa bình.

Theo Avia Pro, Tass