Nga rút quân khỏi Kazakhstan sau khi dẹp yên bạo loạn
(Dân trí) - Lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu đã rút quân khỏi Kazakhstan sau khi hoàn tất sứ mệnh trong cuộc bạo loạn tại nước này.
"Hoạt động gìn giữ hòa bình đã kết thúc, các nhiệm vụ đã được hoàn thành", Tướng Nga Andrei Serdyukov, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đưa quân từ Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan tới Kazakhstan, tuyên bố hôm 12/1.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đang bắt đầu thu dọn trang thiết bị và vật tư để đưa lên máy bay vận tải quân sự của không quân Nga và trở về căn cứ thường trực.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đề nghị CSTO triển khai lực lượng đến nước này để đối phó tình hình bạo loạn, khi các cuộc biểu tình bùng phát để phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của chính phủ. Biểu tình lan rộng khắp Kazakhstan và leo thang thành bạo loạn đẫm máu.
Tổng thống Tokayev hôm 12/1 cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình gồm hơn 2.000 binh sĩ do Nga dẫn đầu "đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ổn định tình hình đất nước". Kazakhstan thông báo đã tiêu diệt 26 tội phạm vũ trang và 16 sĩ quan an ninh đã thiệt mạng trong các cuộc đối đầu. Gần 8.000 người bị bắt trong làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất tại Kazakhstan trong hàng chục năm qua.
"Lực lượng (CSTO) chắc chắn có tầm quan trọng lớn trong việc đẩy lùi sự hung hãn của những kẻ khủng bố. Nhiệm vụ của họ có thể được coi là rất thành công", ông Tokayev nói. Tổng thống Tokayev cho biết quá trình rút quân dự kiến sẽ kéo dài không quá 10 ngày.
Quân đội Nga chiếm phần lớn trong hoạt động triển khai lực lượng tới Kazakhstan. CSTO tuyên bố nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình là bảo vệ các cơ sở trọng yếu và đảm bảo an toàn cho người dân Kazakhstan, thay vì tham gia trấn áp bạo loạn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/1 nói rằng lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO được triển khai tới Kazakhstan đã hành động kịp thời và chính đáng, bất chấp lo ngại từ phương Tây cho rằng động thái này có thể gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền của quốc gia Trung Á. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết "bài học lịch sử gần đây là một khi người Nga đã ở trong nhà bạn, đôi khi rất khó để khiến họ rời đi".
Ông Putin cho biết quân đội từ Nga, Belarus và một số nước thuộc Liên Xô cũ sẽ chỉ đóng quân ở Kazakhstan trong khoảng thời gian có giới hạn và rút lui khi họ đã đạt được các mục tiêu quan trọng. Tổng thống Nga cũng cho rằng tình trạng bất ổn tại Kazakhstan là "một cuộc tấn công vào đất nước" và "một hành động xâm lược" có chủ mưu từ nước ngoài.
Đáp trả chỉ trích về việc triển khai lực lượng để thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Kazakhstan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, "chiến dịch này đã góp phần chấm dứt sự đổ máu, giúp ngăn chặn điều đó", nhưng Nga lại bị cáo buộc là "kẻ xâm lược". Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Nga có thể có những động cơ ngầm đằng sau sứ mệnh gìn giữ hòa bình của CSTO tại Kazakhstan.