1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ngã rẽ nguy hiểm

Hôm nay, 29-3, Anh chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, một điều kiện cần thiết để xứ sở Sương mù bắt đầu tiến hành đàm phán để ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong vòng hai năm tới.

Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm nước Anh chính thức bước sang một ngã rẽ mới với nhiều cơ hội phát triển, song cũng đặt quốc gia này đứng trước nguy cơ bị chia rẽ.

Cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016 là sự khởi đầu của một quá trình khó có thể đảo ngược để nước Anh đi tìm con đường của riêng mình sau 43 năm chung sống dưới mái nhà chung EU. Vì thế, lựa chọn ra khỏi EU (còn gọi là Brexit) được xem là thành công lớn trong chính sách đối ngoại của các chính trị gia theo chiều hướng biệt lập ở Anh.

Kể từ năm 1973, khi Thủ tướng Anh lúc đó là ông Edward Heath đưa Anh hội nhập với EU, người dân xứ sở Sương mù đã từng đặt câu hỏi: “Vì sao lại hội nhập với EU?”.

Không có lời giải thích thỏa đáng, song với những quyết định mà các nhà lãnh đạo Anh đưa ra sau đó, như tẩy chay đồng tiền chung châu Âu, từ chối gia nhập Không gian Schengen (tự do đi lại trong EU) thì ai cũng hiểu rằng, nước Anh chưa bao giờ có chung những tham vọng với các đối tác châu Âu, dù liên quan tới lĩnh vực chính trị, văn hóa hay bản sắc.

Anh đến với EU trước hết và bởi vì những lợi ích đan xen về kinh tế, thương mại.

Đồng bảng Anh được dự báo sẽ bị tác động khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt. Ảnh: BBC
Đồng bảng Anh được dự báo sẽ bị tác động khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt. Ảnh: BBC

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và khủng hoảng di cư không kiểm soát được ở châu Âu khởi đầu từ năm 2015 đã tạo điều kiện để những người mang tư tưởng tách khỏi EU thực hiện kế hoạch Brexit của mình.

Với chiến thuật đơn thuần như bày tỏ lo ngại làn sóng nhập cư ồ ạt sẽ tạo áp lực đối với các dịch vụ công hay cam kết “có thể tiết kiệm được 350 triệu bảng trong một tuần”, các chính trị gia ủng hộ Brexit đã vẽ lên một tương lai tươi đẹp không có EU trong đời sống riêng của người Anh và họ đã thành công.

Anh và EU đã chấp nhận “ly hôn chính trị” sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 năm ngoái. Ngày 29-3 này chính là thời điểm khởi đầu của cuộc đàm phán cam go giữa Anh và EU giai đoạn hậu Brexit.

Sâu xa hơn, thời điểm Anh kích hoạt Điều 50 cũng có thể là khởi đầu của sự chia rẽ trong lòng “ngôi nhà chung” của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, gồm: Anh, Xứ Wales, Bắc Ireland và Scotland.

Trong khi nước Anh quyết tâm từ bỏ “ngôi nhà chung” EU thì Scotland cũng đang muốn tách khỏi Liên hiệp để trở thành một quốc gia độc lập, một bước đệm đưa Scotland trở thành một thành viên chính thức của EU trong tương lai.

Dù mong muốn trên chưa thể trở thành hiện thực trong “một sớm một chiều” vì Anh dự kiến rời EU vào năm 2019, còn EU sẽ không nhận thêm thành viên mới nào cho đến năm 2020, song việc Scotland nhất quyết tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về nền độc lập của mình cho thấy nước Anh đang bị chia rẽ sâu sắc.

Ngoài “nguy cơ tiềm ẩn” Scotland, những bất đồng sâu sắc giữa hai đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) và Sinn Fein sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 2-3 vừa qua ở Bắc Ireland cũng đang tạo vết nứt trong “ngôi nhà chung” của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Nếu hai đảng trên không giải quyết được các bất đồng trong vòng 3 tuần sau bầu cử, chính quyền Bắc Ireland sẽ bị đình chỉ hoạt động và điều này gây khó cho chính phủ của bà Theresa May.

Bên cạnh đó, Chính phủ Anh còn phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức khác sau khi lựa chọn phương án Brexit “cứng”, như làm thế nào để London tránh được những thua thiệt về kinh tế cũng như chính trị hậu Brexit, bảo đảm các quyền lợi của Anh về tự do cư trú, tự do luân chuyển vốn, công nghệ, các dịch vụ tài chính và nguồn nhân lực...

Đây là những xung đột mấu chốt khiến cho Anh không chỉ khó khăn trong việc đàm phán Brexit với EU, mà còn gặp phải sự chia rẽ sâu sắc ngay trong nội bộ của mình. Chính trường Anh có thể sẽ chứng kiến màn “lập pháp bóng bàn” giữa Thượng viện và Hạ viện Anh.

Cho dù Thượng viện có quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung vào luật thì họ cũng không có quyền phủ quyết (từ chối thông qua luật). Mọi sửa đổi, bổ sung do Thượng viện đưa ra đều phải được Hạ viện Anh chấp thuận. Theo đó, có khả năng xảy ra một tình huống là Thượng viện cứ đòi sửa, Hạ viện cứ đòi bác, qua lại như một ván bóng bàn, cho đến khi một trong hai bên chịu xuống nước.

8 tháng kể từ ngày nhậm chức Thủ tướng, thay thế người tiền nhiệm David Cameron, bà May vẫn đang trải qua những ngày yên bình với sự ủng hộ tuyệt đối từ đảng Bảo thủ cầm quyền và những lợi thế có được từ một nền kinh tế không nhiều biến động như dự đoán, cùng với sự gia tăng tư tưởng phản đối EU.

Tuy mọi dự đoán về một nền kinh tế bất ổn sau khi người Anh bỏ phiếu rời EU không thành hiện thực, nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi bao trùm xứ sở Sương mù khi các cuộc đàm phán vẫn chưa chính thức diễn ra. Những hậu quả thật sự của Brexit sẽ chỉ lộ diện khi Anh chính thức ngồi vào bàn đám phán với EU. Chắc chắn sẽ có những “cơn gió ngược” xuất hiện và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của quốc gia này.

Tự tách mình khỏi EU, Anh đang tạo những vết rạn ngay trong chính “ngôi nhà” của mình. Vì thế, ngã rẽ của nước Anh sau thời điểm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon chứa đựng nhiều thách thức, đòi hỏi người đứng đầu Chính phủ là bà Theresa May phải nỗ lực hết sức để tìm kiếm sự đoàn kết nội bộ.

Chỉ có đoàn kết mới có thể giúp nước Anh đạt được một thỏa thuận tốt khi rời khỏi EU trong hai năm tới.

Theo Linh Oanh

Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm