1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga phủ nhận sự tồn tại của Wagner

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin nhấn mạnh luật pháp Nga không thừa nhận sự tồn tại của các công ty quân sự tư nhân, kể cả Wagner.

Nga phủ nhận sự tồn tại của Wagner - 1

Lính Wagner ở Rostov, Nga trong vụ nổi loạn hôm 24/6 (Ảnh: Reuters).

"Một pháp nhân như Wagner không tồn tại và chưa bao giờ tồn tại. Đó là vấn đề pháp lý cần xem xét thêm", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/7 cho biết.

Phát biểu này nhằm khẳng định lại tuyên bố trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Wagner không tồn tại. Nhóm này có tồn tại trên thực tế, nhưng về mặt pháp lý thì không. Đây là vấn đề liên quan đến việc hợp pháp hóa, cần được đưa ra Hạ viện và chính phủ", Tổng thống Vladimir Putin hôm 12/7 cũng khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông.

Trong cuộc gặp kéo dài 3 tiếng với các chỉ huy của Wagner tại Điện Kremlin hôm 29/6, ông Putin nói: "Tôi đánh giá cao hành động của họ trên chiến trường, nhưng cũng tính đến những gì họ đã làm trong cuộc nổi loạn ngày 24/6. Tôi cũng đề cập đến những lựa chọn khả thi cho tương lai của Wagner".

Ông Putin đề nghị Wagner tiếp tục phục vụ ở Nga và hoạt động dưới quyền chỉ huy hiện tại của họ, người được đề cập đến với biệt danh "Tóc xám". Đây dường như là người đã phụ trách các hoạt động tác chiến của Wagner trong 16 tháng qua.

Wagner là một nhóm hoạt động như một quân sự tư nhân, có thể được các chính phủ thuê để thực hiện các dịch vụ an ninh hoặc chiến đấu.

Lực lượng này do ông trùm Yevgeny Prigozhin thành lập năm 2014 và bắt đầu với hoạt động tác chiến ở miền Đông Ukraine. Không chỉ hoạt động ở Ukraine, Wagner còn có mặt ở châu Phi, nơi một số quốc gia hợp tác với lực lượng này để lấp vào lỗ hổng an ninh hoặc hỗ trợ chính quyền.

Trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái, Wagner có khoảng 5.000 thành viên. Quy mô này đã mở rộng lên khoảng 25.000 thành viên sau hơn một năm.

Wagner được xem là lực lượng then chốt trong các hoạt động quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine, đặc biệt trong chiến dịch kiểm soát thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 5, ông Prigozhin bất ngờ tuyên bố rút Wagner khỏi Bakhmut, lui về các trại dã chiến để dưỡng quân.

Đến 23/6, ông trùm Wagner cáo buộc quân đội Nga tập kích tên lửa vào trại dã chiến khiến nhiều thành viên Wagner thiệt mạng. Hàng nghìn lính Wagner sau đó đã từ chiến trường Ukraine vào biên giới Nga, chiếm đóng các cơ sở quân sự và tiếp tục tiến về Moscow để gây sức ép cho giới quân sự nước này.

Vụ nổi loạn chỉ chấm dứt sau 24 giờ bằng một thỏa thuận giữa Wagner và Điện Kremlin. Theo thỏa thuận này, ông Prigozhin đồng ý chuyển đến Belarus. Tuy nhiên, kể từ đó ông trùm Wagner không xuất hiện trước công chúng và hiện không rõ bao nhiêu lính Wagner sẽ đến Belarus.

Bộ Quốc phòng Belarus hôm nay 14/7 cho biết, các lính Wagner đang huấn luyện cho binh sĩ của nước này.

Video do quân đội Belarus công bố cho thấy lính Wagner huấn luyện cho binh sĩ Belarus tại một căn cứ gần Osipovichi, cách thủ đô Minsk khoảng 90km.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Nhóm Wagner nổi loạn