1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga phát lệnh bắt giữ thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế

Thành Đạt

(Dân trí) - Một tòa án Nga đã ra lệnh bắt giữ thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) Reine Alapini-Gansou.

Nga phát lệnh bắt giữ thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế - 1

Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan (Ảnh: Getty).

Tòa án Quận Basmanny ở Moscow ngày 13/11 đã ra lệnh bắt giữ vắng mặt Thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) Reine Alapini-Gansou với cáo buộc "giam giữ trái phép".

Phán quyết của tòa án cho phép giam giữ trước khi xét xử bà Alapini-Gansou trong 2 tháng kể từ ngày bà bị dẫn độ sang Nga.

Bà Alapini-Gansou được bầu làm phó chủ tịch thứ hai của tòa ICC có trụ sở tại The Hague, Hà Lan vào tháng 3 năm nay.

Bà Alapini-Gansou là thẩm phán ICC thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần phải đối mặt với cáo buộc "giam giữ trái phép", có thể bị phạt tới 4 năm tù tại Nga.

Một tòa án ở Moscow ngày 11/11 đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với thẩm phán ICC Haykel Ben Mahfoudh. Phán quyết này có nghĩa là ông Mahfoudh sẽ bị giam giữ ngay lập tức nếu ông tới Nga hoặc bị quốc gia thứ ba dẫn độ.

Ông Mahfoudh là thẩm phán hồi tháng 6 đã phát lệnh truy nã, bắt giữ với hàng loạt lãnh đạo quân đội cấp cao của Nga, trong đó có Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, Thư ký Hội đồng An ninh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Nếu bị kết tội, ông Ben Mahfoudh có nguy cơ phải ngồi tù tới 4 năm theo luật pháp Nga.

Tháng 3 năm ngoái, ICC đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.

Nga coi sắc lệnh của ICC như một phần trong chiến dịch của phương Tây nhằm làm mất uy tín của Nga. Ủy ban Điều tra Nga thông báo sẽ mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên của ICC.

Đây không phải lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đang tại nhiệm, nhưng cơ quan này chưa từng có động thái như vậy với lãnh đạo của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về lý thuyết, 123 quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ nếu Tổng thống Putin đặt chân lên lãnh thổ những nước này. Tuy nhiên, việc thực thi hay không tùy thuộc vào mỗi quốc gia với những lý do khác nhau.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo ICC nên cân nhắc hậu quả nếu có người dám thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga.

Ông Medvedev cảnh báo "việc thi hành một quyết định bất hợp pháp và không hợp lệ về việc bắt giữ các quan chức của một quốc gia cụ thể có thể coi là một lời tuyên chiến".

Theo Moscow Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm