1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga phản ứng ra sao khi Saudi Arabia định đưa tên lửa vào Syria?

Giới chuyên gia phân tích cho rằng, tên lửa của Saudi Arabia nếu có mặt ở Syria cũng không phải mối đe dọa với máy bay Nga.

Với việc quân đội Syria đang ngày càng chiếm ưu thế trên thực địa, Saudi Arabia đã tuyên bố sẵn sàng có động thái can thiệp bằng cách cung cấp tên lửa đất đối không cho lực lượng đối lập ở Syria – những người đang chiến đấu chống lại Chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

Trong tình huống này, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu đây có phải mối đe dọa thực sự, hay chỉ đơn thuần là một phần của cuộc chiến thông tin do chính quyền Riyadh phát động?

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir. (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir. (Ảnh: AFP)

Hỗ trợ của Saudi Arabia chỉ giành cho “lực lượng đối lập ôn hòa”?

Trong một cuộc phỏng vấn tạp chí Spiegel của Đức hôm 19/2, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir thông báo rằng, Riyadh đã chuẩn bị sẵn sàng gửi các hệ thống tên lửa đất đối không tới Syria để giúp “lực lượng nổi dậy ôn hòa” chống lại quân đội Chính phủ Syria – lực lượng vốn đang giành được những lợi thế mang tính đột phá trên chiến trường trong vài tuần gần đây.

Ông Jubeir nói: “Chúng tôi tin rằng, việc đưa tên lửa đất đối không đến Syria sẽ giúp thay đổi cán cân trên thực địa. Nó cho phép phe đối lập ôn hòa có thể vô hiệu hóa các máy bay trực thăng tấn công. Chúng tôi tin rằng, việc cung cấp tên lửa đất đối không có thể mang lại hiệu quả như những gì từng diễn ra trên chiến trường Afghanistan”.

Mặc dù vậy, khái niệm “lực lượng đối lập ôn hòa” mà Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia đề cập vẫn rất mơ hồ. Thực tế, các phương tiện truyền thông phương Tây đã thừa nhận rằng, tuyên bố này của Riyadh là “rất đáng báo động” bởi nếu những trang thiết bị mà họ dự kiến sẽ mang đến Syria lọt vào tay các chiến binh Hồi giáo cực đoan thì hậu quả sẽ khôn lường.

Cho đến nay, lực lượng mà Saudi Arabia hỗ trợ ở Syria bao gồm al-Fatah - nhóm liên minh vũ trang đóng ở Idlib dựa trên nền tảng các nhóm chiến binh Hồi giáo bao gồm cả nhóm mặt trận al-Nusra, Ahrar tro-Sham và Jund al-Aqsa – 3 nhóm có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Ở những khu vực khác trên khắp Syria, Riyadh cũng cung cấp hỗ trợ cho các nhóm đối lập khác có liên hệ với mặt trận al-Nusra Front, Ahrar tro-Sham, Quân đội Syria Tự do và các nhóm vũ trang mà theo cáo buộc của Lầu Năm Góc, quá nửa trong số đó là những tay súng Hồi giáo cực đoan.

Có lẽ vì lý do này mà tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức nhận xét rằng, cái cách mà ông Jubeir nói về việc hỗ trợ những “nhóm đối lập ôn hòa” chính là lời bao biện cho những gì chính quyền Riyadh đang làm.

Động thái của Riyadh chỉ là “đổ thêm dầu vào lửa”

Trong khi đó, bài bình luận trên tờ Sputnik cho rằng, đối tượng nào sẽ được nhận sự trợ giúp các loại vũ khí chống máy bay của Saudi Arabia hiện đã rõ, câu hỏi đặt ra tiếp theo là quy mô những hỗ trợ của Riyadh sẽ như thế nào? Tuy nhiên, ngay từ lúc này có thể thấy, hành động của Saudi Arbia chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến cho xung đột ở Syria tiếp tục leo thang.


Các bên liên quan cho đến nay vẫn bất đồng về định nghĩa khủng bố ở Syria. (Ảnh: Alalam)

Các bên liên quan cho đến nay vẫn bất đồng về định nghĩa khủng bố ở Syria. (Ảnh: Alalam)

Những lời đe dọa sẽ đưa các hệ thống tên lửa đất đối không sang Syria không phải là ý tưởng ban đầu của Saudi Arabia bởi Riyadh đã từng đe dọa như vậy ít nhất 2 lần, vào tháng 2/2014 và tháng 10/2015.

Hơn nữa, ngay cả nếu những nỗ lực hiếm hoi để đe dọa Damascus không phải là những lời nói suông thì tình hình trên bộ tại Syria cũng cho thấy, phe đối lập tại Syria khó có thể tiếp nhận được số vũ khí viện trợ này.

Điều này khó thực hiện được bởi quân đội Syria, với sự hậu thuẫn của lực lượng người Kurd ở phía Bắc đang nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát ở cả miền Bắc và miền Nam đất nước, giải phóng nhiều khu vực đông dân cư và tiến sát khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Jordan nơi phiến quân có thể tự do đi lại và nhận được tiền cũng như vũ khí từ các thế lực bên ngoài.

Trong thực tế, bản thân những tuyên bố của ông Jubeir trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Spiegel cũng đã cho thấy những mâu thuẫn trong chính ý tưởng của Riyadh, cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia lưu ý: “Điều này đã được nghiên cứu rất cẩn thận… bởi chúng tôi không muốn những vũ khí này rơi vào tay kẻ xấu”.

Tuy nhiên, khi được hỏi làm thế nào để có thể dám chắc các hệ thống tên lửa không rơi vào tay của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông Jubeir lại hướng trách nhiệm về phía Mỹ khi nói rằng: “Đây sẽ là quyết định của liên minh quốc tế. Saudi Arabia không đơn phương đưa ra quyết định”.

Mỹ không ủng hộ, Nga chẳng bận tâm

Quyết định cuối cùng thuộc về liên minh quốc tế… Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có chuyện Saudi Arabia gửi hệ thống tên lửa đất đối không tới Syria. Bởi nếu Washington “hoàn toàn mất trí” thì họ mới cảm thấy vui vì Riyadh cung cấp vũ khí cho các chiến binh thánh chiến để chống lại liên minh do Mỹ đứng đầu.

Máy bay chiến đấu Nga làm nhiệm vụ không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria. (Ảnh: RIA)
Máy bay chiến đấu Nga làm nhiệm vụ không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria. (Ảnh: RIA)

Những diễn biến trên chiến trường Syria cho thấy, trước khi quân đội Syria giải phóng các khu vực Nubl và Zahraa ở tỉnh Aleppo hồi đầu tháng này, phe nổi dậy đã tích cực hợp tác với IS trong việc di chuyển nhiên liệu, thực phẩm và có thể là cả mua bán vũ khí.

Có thể thấy rõ, quan điểm của Mỹ về cơ bản nghiêng theo khả năng sẽ ngăn cản Riyadh gửi tên lửa đất đối không đến Syria.

Hồi tháng 2/2014, bình luận về thông tin Saudi Arabia có thể đưa tên lửa SAM đến Syria, tờ The Wall Street Journal chỉ ra rằng, “Mỹ từ lâu đã phản đối việc trang bị vũ khí chống máy bay cho quân nổi dậy ở Syria bởi nếu loại vũ khí này rơi vào tay các phần tử cực đoan, chúng sẽ trở thành mối đe dọa với các máy bay của liên quân đang chiến đấu trong khu vực, thậm chí là đe dọa an toàn của những chuyến bay thương mại”.

Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên hôm 19/2 cũng đã lên tiếng khẳng định, “lập trường của Washington đối với vấn đề này là không thay đổi”.

Trả lời phỏng vấn tờ International Business Times của Anh về tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir, Giám đốc tư vấn của Cơ quan Dịch vụ nghiên cứu Trang thiết bị Vũ khí, Nic R. Jenzen-Jones nhấn mạnh rằng, “trên phương diện kỹ thuật, các tên lửa mà Saudi Arabia có thể sẽ cung cấp cho lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria không phải mối đe dọa lớn đối với các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga hoạt động ở Syria”.

Ông Jenzen-Jones cho rằng, nếu như các tên lửa đất đối không được trang bị cho các lực lượng đối lập ở Syria thì loại vũ khí này cũng “chỉ đặt ra mối đe dọa cho các máy bay trực thăng của quân đội Syria”.

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovski thì cho rằng, về lâu dài, các tên lửa của Saudi Arabia “sẽ không ảnh hưởng đến quá trình và kết quả của cuộc chiến đang diễn ra ở Syria”.

Chuyên gia Murakhovski nhận định: “Các tên lửa của Saudi Arabia sẽ buộc máy bay Syria và Nga điều chỉnh chiến thuật của họ? Điều này là chắc chắn. Những tên lửa này có thể gây thiệt hại cho máy bay của Syria, nhưng điều này nếu xảy ra, chắc chắn sẽ khiến Nga có động thái trợ giúp không quân Syria để đối phó. Và nếu đặt ra câu hỏi liệu các tên lửa của Saudi Arabia có ảnh hưởng đến cuộc chiến Syria hay không thì câu trả lời chắc chắn là không”./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN