Saudi ngửa bài: Assad không đi, 100.000 quân Ả-Rập sẽ vào Syria?
Saudi Arabia vừa ngửa bài rằng, nếu Tổng thống hợp Hiến của Syria Bashar al-Assad không tự nguyện từ chức, nước này sẽ dùng vũ lực buộc ông phải ra đi.
Saudi Arabia công khai quyết tâm lật đổ Assad bằng mọi giá
Tình hình Syria tiếp tục diễn biến vô cùng căng thẳng khi ngày 14-2, chính quyền Saudi Arabia đã công khai quan điểm sẽ lật đổ chính quyền Alawite (một nhánh của dòng Shia) của ông Bashar al-Assad bằng mọi giá, kể cả là tiến quân vào Syria, dùng hành động quân sự để phế truất ông này.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, ông Adel al-Dzhubeyr đã tuyên bố công khai rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ có hai lựa chọn: Hoặc là tự nguyện từ chức hoặc bị lật đổ bằng vũ lực.
"Chúng tôi nhấn mạnh vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thông qua các biện pháp chính trị, nhưng nếu tình hình đàm phán đi đến chỗ bế tắc, thì đó là do lỗi ‘quanh co’ của chính quyền Damascus và các đồng minh của chế độ Assad” - ông Said al-Dzhubeyr nói.
Vị ngoại trưởng của quốc gia dòng Sunni mạnh nhất trong khu vực nhấn mạnh, trong trường hợp này sẽ không có lựa chọn nào khác hơn ngoài giải pháp quân sự. Riyadh sẵn sàng phái bộ binh đến lãnh thổ Syria, nhưng chỉ trong thành phần của liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Ông Said al-Dzhubeyr cũng cho biết thêm rằng, hôm 13-2, máy bay chiến đấu của không quân nước này đã đến căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia hoạt động không kích chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" IS ở Syria.
Hôm 13-2, Tổng thống Syria Bashar al-Assa cũng đã đưa ra cảnh báo về việc nước này có nguy cơ bị Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ “xâm lược” đồng thời cảnh báo nước này sẽ có những hành động giáng trả thích đáng để bảo vệ chủ quyền đất nước, được sự công nhận Liên Hợp Quốc.
Ông Assad cũng tuyên bố rằng chính quyền Damascus sẵn sàng tiếp tục tiến hành cuộc đàm phán vì hòa bình ở Syria nhưng đồng thời khẳng định, quân đội nước này sẽ tiếp tục chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố, cho đến khi nào hoàn toàn giải phóng đất nước.
Ông khẳng định, ông là Tổng thống được nhân dân Syria bầu ra và sẽ chỉ ra đi khi nhân dân nước này muốn thế. Chỉ có nhân dân mới có quyền quyết định sự thay đổi của một chính quyền lãnh đạo đất nước, chứ không phải là những thế lực ngoại bang.
Saudi Arabia đưa quân và chiến đấu cơ đến Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 13-2, báo The Independent đưa tin, chính quyền Saudi Arabia đã phái đến căn cứ quân sự Incirlik - nằm ở phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ và giáp với phía tây bắc Syria - một số lượng không xác định binh sĩ và một số máy bay chiến đấu, trước ngưỡng cuộc xâm nhập tiềm ẩn vào Syria.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã xác nhận điều này và cho biết thêm, Saudi Arabia đã công bố về quyết tâm chiến đấu chống IS và đã thể hiện rõ quyết tâm bằng hành động sẵn sàng phái máy bay và quân đội đến tham chiến trên bộ ở Syria.
Ông Bộ trưởng tuyên bố, trong mỗi cuộc họp của liên minh, các nước luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải vạch ra chiến lược rộng hơn, hướng vào kết quả đấu tranh chống nhóm khủng bố IS. Xác định rõ chiến lược như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể bắt đầu chiến dịch mặt đất.
Cách đây vài hôm, Washington và đồng minh Riyadh đã tuyên bố về khả năng liên minh quân sự phương Tây tiến hành một cuộc chiến trên mặt đất chống lại nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tại Syria, sau khi các hoạt động không kích không đạt được yêu cầu đề ra.
Saudi Arabia cũng đã bày tỏ thái độ sẵn sàng phái quân đội của nước mình tới Syria để tham gia chiến dịch mặt đất. Theo dự kiến, nước này có thể điều vài nghìn binh sĩ tới Syria tham chiến, “nếu việc tiến hành chiến dịch có sự phối hợp với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Ahmed Ussery cho biết, hoạt động tác chiến trên mặt đất của nước này sẽ diễn ra ngay khi nhận được sự chấp thuận của Bộ chỉ huy liên quân quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu và hoàn tất việc đưa ra các hoạch đinh chiến lược.
Ngoài Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã đồng ý đưa quân đến Syria. Tuy nhiên, rất có thể nước này sẽ đưa nhân viên kỹ thuật và các chuyên gia quân sự chứ không có bộ binh tham chiến trực tiếp.
Trước đó, CNN dẫn nguồn tin của lãnh đạo khối đối lập Iraq (Irada) là bà Hanan al-Fatlawi cho biết rằng, Ả Rập Saudi và các đồng minh trong số các nước Ả Rập đang chuẩn bị một hoạt động chống IS trên quy mô lớn, với sự tham gia của 150 000 quân, trong đó có 10.000 quân Mỹ.
Theo đó, liên minh quân sự đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo bao gồm khoảng 100 nghìn quân, trong đó, Mỹ đóng góp 10.000, còn lại 90.000 quân sẽ lấy từ các quốc gia Ả Rập dòng Sunni xung quanh như: Saudi Arabia, United Arab Emirates (UAE), Qatar, Jordan và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, 10.000 quân Mỹ sẽ chỉ tham gia các hoạt động cung cấp hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật, còn lực lượng tham chiến trực tiếp sẽ là quân đội các nước Ả Rập theo dòng Sunni ở xung quanh Syria.
Trước đây, Mỹ và các nước Ả Rập đã bác bỏ thông tin do bà Hanan al-Fatlawi đưa ra, nhưng giờ thì chẳng còn ai nghi ngờ điều này. Với thông báo mới nhất này, chắc chắn liên quân Ả Rập sẽ tràn vào Syria trong thời gian tới và việc Hòa đàm ở Geneva có nối lại hay không cũng chẳng quan trọng.
Theo Nhật Nam
Đất Việt