1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga phản pháo Mỹ về lệnh bắt Tổng thống Putin của ICC

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga chỉ trích Mỹ đạo đức giả khi phản đối cuộc điều tra của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Israel nhưng lại ủng hộ lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin.

Nga phản pháo Mỹ về lệnh bắt Tổng thống Putin của ICC - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

"Washington hoàn toàn ủng hộ, nếu không muốn nói là khuyến khích, việc ICC phát lệnh bắt giữ lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, hệ thống chính trị Mỹ không công nhận tính hợp pháp của tòa án này trong các vấn đề liên quan tới chính họ và các nước vệ tinh của họ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hôm 30/4.

Theo bà Zakharova, quan điểm như vậy là "ngớ ngẩn về mặt trí tuệ".

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi hãng tin Mỹ NBC News ngày 29/4 dẫn lời một quan chức Israel cho biết, lệnh bắt giữ của ICC có thể được ban hành đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và các sĩ quan quân đội cấp cao khác của Israel.

ICC - cơ quan có thể buộc tội các cá nhân về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng - đang điều tra vụ lực lượng Hamas tấn công Israel hôm 7/10/2023 và chiến dịch quân sự tàn khốc của Israel vào Dải Gaza để đáp trả Hamas.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 29/4 cho biết Mỹ không ủng hộ cuộc điều tra của ICC đối với Israel và không tin rằng tòa án có thẩm quyền xét xử.

ICC không xác nhận hay phủ nhận thông tin trên. ICC nói với NBC rằng cơ quan này "đang tiến hành một cuộc điều tra độc lập liên quan đến tình hình ở nhà nước Palestine" và "không bình luận thêm trong giai đoạn này".

Israel không phải là thành viên của ICC và không công nhận quyền tài phán của ICC. Tuy nhiên, nếu lệnh bắt giữ ông Netanyahu và các quan chức Israel khác được ban hành, 124 quốc gia thành viên ICC sẽ có nghĩa vụ bắt giữ nếu họ đặt chân tới những nước này.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết bất kỳ quyết định nào của ICC sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của Israel, nhưng sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm.

Tháng 3 năm ngoái, ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên phụ trách vấn đề quyền trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không phải một bên tham gia Quy chế Rome về thành lập ICC, nên Moscow không công nhận lệnh bắt giữ của ICC.

Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.

Điện Kremlin đã coi những lệnh đó là thái quá vào thời điểm đó và bác bỏ lệnh của ICC. Moscow coi lệnh này như một phần trong chiến dịch của phương Tây nhằm làm mất uy tín của Nga.

Ủy ban Điều tra Nga thông báo sẽ mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên của ICC.

Trong khi phản đối việc bắt giữ thủ tướng Israel, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quyết định của ICC về việc phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin là hợp pháp. Mỹ chia sẻ với ICC chi tiết về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm