Israel lo ngại ICC sắp phát lệnh bắt giữ một số lãnh đạo
(Dân trí) - Giới chức Israel tin rằng Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) sắp phát lệnh bắt Thủ tướng và các quan chức cấp cao khác của Israel, cũng như các lãnh đạo Hamas.
Một số quan chức Israel và nước ngoài những ngày qua cho rằng, ICC có thể phát lệnh bắt giữ một số lãnh đạo của Israel trong vòng vài ngày tới với một số cáo buộc.
Các cáo buộc xoay quanh việc quốc gia này ngăn chặn tiến trình cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza cũng như phản ứng quá khắc nghiệt đối với các cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7/10/2023.
Ngoài ra, họ cũng cho rằng, ICC đang cân nhắc lệnh bắt giữ các thủ lĩnh Hamas.
Theo 2 trong số 5 quan chức trên, nếu ICC thúc đẩy lệnh bắt giữ, một số lãnh đạo Israel có khả năng bị buộc tội. Trong đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể nằm trong danh sách chịu lệnh khám xét. Hiện chưa rõ lãnh đạo chịu trách nhiệm bên phía Hamas là ai, cũng như sẽ chịu trách nhiệm cho cáo buộc gì.
Các quan chức Israel không tiết lộ nguyên nhân khiến họ lo ngại về động thái của ICC, tòa án cũng không đưa ra bình luận về vấn đề này.
Lệnh bắt giữ của ICC được thế giới xem như cáo buộc về mặt đạo đức, đặc biệt đối với Israel, quốc gia đã bị quốc tế lên án dữ dội trong nhiều tháng về chiến dịch quân sự tại Gaza. Lãnh đạo quốc gia đồng minh số 1 của Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng cho rằng: "Điều này (chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza) đã đi quá giới hạn".
Công tố viên trưởng Karim Khan trước đó đã xác nhận đội ngũ của ông tại ICC đang điều tra "một số vấn đề trong chiến tranh", song từ chối bình luận về những suy đoán trên các phương tiện truyền thông.
Văn phòng ông Netanyahu cũng không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel ngày 26/4 tuyên bố "bất kỳ sự can thiệp nào của ICC sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm".
ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, là tòa án quốc tế thường trực duy nhất trên thế giới có quyền truy tố các cá nhân bị buộc tội về tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người. Cơ quan này không sở hữu lực lượng cảnh sát riêng mà chủ yếu dựa vào 124 quốc gia thành viên, bao gồm hầu hết các nước châu Âu để bắt giữ những nhân vật bị kết án.
Việc ICC tập trung vào các cá nhân hơn là các quốc gia giúp phân biệt Tòa án này với Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), nơi giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.