Cựu tư lệnh NATO: Ông Trump sẽ gây sức ép để Nga - Ukraine phải đàm phán
(Dân trí) - Cựu tư lệnh NATO James Stavridis cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể buộc Ukraine từ bỏ một phần lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.
"Tôi nghĩ ông Trump sẽ gây áp lực lên cả hai bên để ngồi vào bàn đàm phán", cựu đô đốc Mỹ James G. Stavridis, người từng giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 9/11.
Theo ông Stavridis, trong trường hợp này, Nga sẽ giữ các vùng lãnh thổ mà Moscow đã kiểm soát ở Ukraine. Khi đó, "con đường tự do gia nhập NATO" của Ukraine sẽ được mở ra và Ukraine sẽ được NATO chấp thuận trong vòng 3-5 năm.
"Đó không phải là kết quả tồi tệ nhất trên thế giới và tôi nghĩ đó có thể là cách mọi chuyện kết thúc", cựu tư lệnh NATO nói thêm.
Bryan Lanza, cố vấn cấp cao của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, nói với đài BBC hôm 9/11 rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ tập trung vào việc đạt được hòa bình ở Ukraine thay vì cho phép nước này giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất vào tay Nga.
Ông Lanza là chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa, người đã làm việc trong các chiến dịch tranh cử của ông Trump từ năm 2016.
Trong khi bày tỏ sự tôn trọng đối với người dân Ukraine, ông Lanza cho biết ưu tiên của Mỹ sẽ là đạt được "hòa bình và chấm dứt giết chóc".
Chiến lược gia Mỹ cho rằng, việc Kiev đặt ra mục tiêu trục xuất lực lượng Nga khỏi toàn bộ vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền là không thực tế.
Ông Lanza đặc biệt đề cập đến bán đảo Crimea, nơi đã sáp nhập vào Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014. Ông cũng gửi thông điệp tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng "Crimea đã không còn nữa".
Ông Lanza nhấn mạnh Mỹ sẽ không chiến đấu thay mặt Ukraine để giành lại những khu vực mà Nga đã kiểm soát. "Nếu ưu tiên của Ukraine là giành lại Crimea và để lính Mỹ chiến đấu giành lại Crimea, Ukraine phải tự lo liệu", ông nói.
Thay vào đó, ông Lanza cho biết, lãnh đạo Ukraine nên đưa ra một "tầm nhìn thực tế cho hòa bình" trước các cuộc đàm phán tiềm năng. Việc Tổng thống Zelensky kiên quyết khẳng định "chỉ có thể đạt được hòa bình nếu giành lại Crimea" chỉ cho thấy ông "không nghiêm túc", theo ông Lanza.
Ông Lanza khẳng định, chính quyền Tổng thống Trump sắp tới sẽ tập trung vào mục tiêu đạt được hòa bình, thay vì cung cấp cho Ukraine khả năng phản công trên chiến trường.
Trong tuyên bố hôm 24/10, phó tổng thống đắc cử Mỹ J.D. Vance cho rằng cả Nga và Ukraine đều đã "kiệt sức" sau hơn 2 năm xung đột và đều đang tìm cách chấm dứt tình trạng chiến tranh bằng cách nào đó.
"Phó tướng" của ông Trump giải thích, để chấm dứt tình trạng xung đột, cả Moscow và Kiev sẽ phải có những nhượng bộ nhất định.
Khi được hỏi liệu ông có tin rằng Ukraine sẽ rơi vào tình huống phải nhượng lại một số vùng lãnh thổ cho Nga hay không, ông Vance cho rằng đây có thể sẽ là một quyết định mà Kiev phải đưa ra.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đầu tháng này nhận định, phương Tây dường như đã chấp nhận thực tế rằng Ukraine đã mất đi một số vùng lãnh thổ và hy vọng sẽ kết nạp Kiev vào NATO trong tương lai gần.
Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga. Ông Zelensky tuyên bố vấn đề lãnh thổ của Ukraine phải do người dân nước này quyết định.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha hồi đầu tháng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đòi hỏi trách nhiệm đầy đủ của Nga và "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea", thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp về lãnh thổ.
Sau hơn 2 năm kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea. Nga cũng tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine gồm Donetsk và Lugansk (còn gọi là vùng Donbass), Kherson và Zaporizhia, mặc dù chưa kiểm soát hoàn toàn các khu vực này.