Nga phản bác tối hậu thư, nêu điều kiện chấm dứt xung đột
(Dân trí) - Quan chức ngoại giao Nga cho rằng cần đáp ứng tất cả điều kiện của Tổng thống Vladimir Putin để đạt được hòa bình tại Ukraine.
![Nga phản bác tối hậu thư, nêu điều kiện chấm dứt xung đột - 1 Nga phản bác tối hậu thư, nêu điều kiện chấm dứt xung đột - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/vhc-RT-raDSIAYlaOHZSsS6eFnw=/thumb_w/1020/2024/10/25/putintass-1729858494557.jpg)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 10/2 tuyên bố, tất cả điều kiện do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra để chấm dứt xung đột Ukraine phải được đáp ứng trước khi đạt được bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến.
Ông Ryabkov, quan chức Nga phụ trách mối quan hệ với Mỹ, cho biết Mỹ và phương Tây càng sớm hiểu rằng tất cả điều kiện của Tổng thống Putin đều cần được đáp ứng, thì sẽ càng sớm đạt được giải pháp cho xung đột Ukraine.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Putin đã nêu ra các điều khoản cụ thể nhằm chấm dứt xung đột bao gồm: Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, rút toàn bộ quân đội khỏi những vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền. Moscow đã tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine và bán đảo Crimea.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng việc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Moscow và đảm bảo tình trạng trung lập và phi hạt nhân của Ukraine là điều cần thiết.
Theo ông Ryabkov, việc Mỹ cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine đã khiến Washington trở thành một bên trong cuộc xung đột.
Quan chức Nga khẳng định, bất kỳ cuộc đàm phán nào về Ukraine cũng phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và thừa nhận "tình hình thực địa". Nhà ngoại giao Nga cảnh báo bất kỳ tối hậu thư nào được đưa ra cho Moscow cũng sẽ thất bại.
Ông Ryabkov bác bỏ mọi nỗ lực ra điều kiện cho Moscow, cảnh báo "giọng điệu tối hậu thư, lời lẽ kích động và nỗ lực mô tả sự nhượng bộ như một ân huệ hào phóng sẽ không hiệu quả trong cuộc đối thoại của chúng tôi với Mỹ".
Ông Ryabkov ca ngợi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã bày tỏ mong muốn đàm phán với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại "trên cơ sở bình đẳng".
Ông Ryabkov nhấn mạnh Moscow sẵn sàng đàm phán, bao gồm đàm phán về xung đột Ukraine, nhưng bước đầu tiên hướng tới ổn định quan hệ phải do Washington thực hiện.
"Ít nhất đội ngũ của Tổng thống Trump đã thể hiện mong muốn nối lại đối thoại với Nga, điều bị đảng Dân chủ cản trở", ông Ryabkov nói thêm.
Theo nhà ngoại giao Nga, quan hệ Nga - Mỹ đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng dưới thời Tổng thống Joe Biden, người mà ông cáo buộc đã áp dụng "chiến lược chiến tranh hỗn hợp" chống lại Moscow. Tuy nhiên, ông Ryabkov cho rằng việc Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng có thể báo hiệu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Trump từng tuyên bố ý định chấm dứt nhanh chóng xung đột Ukraine và sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo Mỹ được cho là đã giao nhiệm vụ cho đặc phái viên về Ukraine, Keith Kellogg, đàm phán giải quyết xung đột Ukraine trong vòng 100 ngày.
Khẳng định lại lập trường của Nga, ông Ryabkov cho biết Moscow ít nhất cũng nhận thấy "một cơ hội nhỏ" để cải thiện quan hệ với Washington dưới thời chính quyền Trump.
"Liệu Mỹ có nắm bắt cơ hội này hay không hoàn toàn tùy thuộc vào họ", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Mặc dù ông Trump chưa công khai kế hoạch hòa bình Ukraine, nhưng có thông tin cho rằng kế hoạch này bao gồm việc đóng băng xung đột dọc theo tiền tuyến hiện tại, thiết lập một khu phi quân sự do binh lính châu Âu tuần tra và ngăn Ukraine gia nhập NATO.
Ông Trump đã cảnh báo về các lệnh trừng phạt mới nếu Moscow từ chối giải pháp đàm phán, nhưng nhấn mạnh rằng ông "không muốn làm tổn thương Nga". Tuần trước, đặc phái viên của ông Trump cho biết Mỹ có thể áp đặt thêm sức ép kinh tế đối với Moscow.
Các quan chức Nga lập luận rằng Washington đã làm căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm, khi bỏ qua những lo ngại về an ninh của Moscow đối với sự mở rộng của NATO ở Đông Âu và sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của Mỹ với Ukraine.
Nga tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng đàm phán, nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm "các thỏa thuận đáng tin cậy, ràng buộc về mặt pháp lý nhằm loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".