Điều ông Trump muốn làm trước khi đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine
(Dân trí) - Giải quyết xung đột Ukraine sẽ là trách nhiệm của toàn bộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
![Điều ông Trump muốn làm trước khi đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine - 1 Điều ông Trump muốn làm trước khi đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/4DaHXOpkyHrjzqrnPW7VTTAZXvM=/thumb_w/1020/2025/02/07/trumpnhatrangreuters-1738922271512.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump làm việc tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Post hôm 6/2, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine và Nga, Keith Kellogg, cho biết ông Trump đang tìm cách "ngăn chặn việc giết chóc" trước khi đàm phán các giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine.
"Tổng thống muốn ngăn chặn việc giết chóc, chỉ cần ngăn chặn trước, sau đó sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán trong tương lai", ông Kellogg tiết lộ.
Theo đặc phái viên của tổng thống Mỹ, đây là mục tiêu mà chính quyền Mỹ đang theo đuổi trên con đường giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo ông Kellogg, giải quyết xung đột Ukraine là trách nhiệm của toàn bộ chính quyền Tổng thống Trump.
"Giải quyết cuộc chiến tranh Nga - Ukraine thực sự là trách nhiệm của toàn bộ chính quyền, vì vậy cần có cách tiếp cận của toàn bộ chính phủ. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này với đội ngũ an ninh quốc gia gồm tổng thống, phó tổng thống, cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng ngoại giao và bộ tài chính, Hội đồng an ninh quốc gia, tất cả cùng nhau làm việc", ông Kellogg cho biết thêm.
Ông Kellogg xác nhận, tuần trước, Tổng thống Trump đã tập hợp toàn bộ nhóm cố vấn an ninh quốc gia và các thành viên nội các để thảo luận về việc sử dụng "mọi yếu tố của sức mạnh quốc gia" nhằm chấm dứt xung đột.
"Nếu có ai đó hiểu được đâu là đòn bẩy, thì đó chính là Tổng thống Donald Trump, và có thể thấy điều đó qua những gì ông ấy đã làm gần đây", đặc phái viên Kellogg kết luận.
Trước đó, Tổng thống Trump đã bày tỏ hy vọng rằng các thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đạt được "trong tương lai không xa".
Ông Kellogg cho biết cách tiếp cận để chấm dứt xung đột phải thực tế, ngụ ý một số nhượng bộ từ cả phía Nga và Ukraine. Theo ông, chiến tranh sẽ không kết thúc nếu không có các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, đòi hỏi cả hai bên phải nhượng bộ.
Nga sẵn sàng "mặc cả cứng rắn" với ông Trump
Trong tuyên bố được đăng tải công khai trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga hôm 5/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đề cập đến khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Thứ trưởng Ryabkov cho biết Nga "sẵn sàng đối thoại và đàm phán với Mỹ thông qua một cuộc mặc cả cứng rắn, trong khi vẫn tính đến tình hình trên thực địa và lợi ích quốc gia" của Nga.
Quan chức ngoại giao Nga tuyên bố Washington phải hành động trước để cải thiện quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ, vốn đã trở nên căng thẳng sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
"Quyết định tùy thuộc vào Donald Trump và nhóm của ông ấy", ông Ryabkov nói.
Điện Kremlin cho biết Nga đã liên lạc với chính quyền Tổng thống Trump để đàm phán, nhưng không nói rõ liệu Tổng thống Vladimir Putin có trao đổi với người đồng cấp về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine hay không.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Thực sự đã có những cuộc tiếp xúc giữa các bộ phận riêng lẻ và các cuộc tiếp xúc này đã được tăng cường gần đây, nhưng tôi không thể cung cấp bất kỳ chi tiết nào khác".
Ông Trump dự kiến sẽ sớm gặp ông Putin. Ông nói với các phóng viên vào cuối tuần trước rằng các cuộc đàm phán và cuộc họp đã được lên lịch "với nhiều bên, bao gồm cả Ukraine và Nga".
"Chúng tôi sẽ đối thoại và tôi nghĩ có lẽ chúng tôi sẽ làm điều gì đó có ý nghĩa. Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc chiến đó", ông Trump tuyên bố.
Trong bài bình luận cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một nhóm nghiên cứu của Mỹ, nhà nghiên cứu Sean Monaghan cho biết "sự khó đoán và bản tính muốn đàm phán của ông Trump có thể giúp Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình theo các điều khoản của riêng mình".
"Tính cách của ông ấy, kết hợp với những thay đổi về điều kiện chính trị, quân sự và kinh tế xung quanh cuộc chiến, có thể khiến chiến lược tối hậu thư trở nên khả thi một lần nữa", ông Monaghan nhận định.
Bloomberg đưa tin, các đồng minh của Washington hy vọng chính quyền Tổng thống Trump sẽ công bố kế hoạch chấm dứt chiến tranh tại Hội nghị An ninh Munich vào tuần tới tại Đức.