1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga phá hủy lá chắn thép Ukraine bằng chiến thuật tập kích "bầy đàn" UAV

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Nga đã áp dụng chiến thuật tấn công "bầy đàn" với máy bay không người lái (UAV) Lancet, khiến dòng vũ khí này càng trở nên uy lực.

Nga phá hủy lá chắn thép Ukraine bằng chiến thuật tập kích bầy đàn UAV - 1

Lancet được xem là một trong những UAV uy lực nhất của Nga nhờ khả năng tập kích mục tiêu chính xác (Ảnh: Top War).

RIA Novosti dẫn nguồn tin từ quân đội Nga cho hay, trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Moscow đã sử dụng chiến thuật tấn công UAV bầy đàn với Lancet.

Để phá hủy các bộ phận của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Ukraine, ví dụ S-300PS và S-300V, quân đội Nga sử dụng chiến thuật tấn công "bầy đàn", khi có thể huy động hơn 10 UAV Lancet bay lảng vảng tập kích, nguồn tin cho hay.

Theo giới chuyên gia, tác chiến dùng UAV tấn công "bầy đàn" được xem là một trong những chiến thuật tương lai. Trong nhiều trường hợp, các UAV chỉ sở hữu kích thước nhỏ, nhưng lại được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như hệ thống trinh sát, tác chiến điện tử hoặc thậm chí mang theo thuốc nổ để biến thành UAV "cảm tử".

Một nhóm UAV số lượng lớn lao vào mục tiêu có thể làm rối loạn lá chắn phòng không và gây ra sức sát thương đáng kể trong khi giá thành của chúng không cao. UAV "bầy đàn" được xem là một trong những thách thức đặc biệt của tác chiến hiện đại.

Nga phá hủy lá chắn thép Ukraine bằng chiến thuật tập kích bầy đàn UAV - 2

Một tổ hợp S-300 của Ukraine sau khi bị phá hủy bởi UAV Nga (Ảnh: Twitter).

Việc Nga sử dụng bầy đàn UAV Lancet khiến uy lực của dòng vũ khí này càng gia tăng. Trước đó, Moscow từng đánh giá cao khả năng tác chiến của dòng UAV Lancet. Đầu tháng 4, quân đội Nga nói rằng, Lancet-3 đã phá hủy 45% số pháo kéo và pháo tự hành mà NATO viện trợ cho Ukraine.

Cả NATO và Ukraine chưa lên tiếng về con số thống kê mà Nga đưa ra. Tuy nhiên, các hình ảnh và video từ thực địa cho thấy khả năng tấn công hiệu quả và chính xác cao của Lancet-3 vào mục tiêu giá trị cao của đối phương. Danh sách các vũ khí từng bị UAV này tấn công gồm lựu pháo M777 của Mỹ, pháo 155mm Krab của Ba Lan và pháo tự hành M109 Paladin (SPG) của Mỹ.

Lancet hoạt động theo cơ chế mang thuốc nổ bay lơ lửng trên không trung và liên tục tìm kiếm mục tiêu. Khi mục tiêu được xác nhận, UAV sẽ tấn công tự sát như cơ chế của một tên lửa không đối đất. UAV này được đặt tên là "Lancet", tức là "dao mổ", vì khả năng tấn công mục tiêu chính xác cao như "trong một cuộc phẫu thuật".

UAV Lancet của nhà thầu ZALA Aero được trang bị một số hệ thống định vị mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử. UAV này có kênh liên lạc đặc biệt để truyền hình ảnh các mục tiêu và xác nhận việc phá hủy chúng thành công.

Lancet có tốc độ ấn tượng vào khoảng 110km/h, khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 3kg cùng với việc được tích hợp hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. Lancet có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 40km và có trọng lượng cất cánh tối đa 12kg (gồm cả thuốc nổ).

Theo nhà sản xuất, Lancet có nhiều lợi thế so với các vũ khí khác. Thứ nhất, nó hoạt động theo cơ chế "bay lảng vảng", tức là luôn được triển khai trên không và sẵn sàng tấn công mục tiêu bất cứ lúc nào, kể cả mục tiêu di động. Thứ 2, nó khá nhỏ, nhẹ nên nó gần như "tàng hình" trước radar phòng không truyền thống. Thứ 3, giá thành của nó khá rẻ nếu so với các loại đạn tấn công chính xác cao.

Mặt khác, Lancet-3 giờ đây được trang bị công nghệ giúp nó trở nên miễn nhiễm với các vũ khí đánh chặn bằng tia laser, giúp nó ít bị tổn thương hơn trên chiến trường.

Theo Top War