Nga nói ý tưởng lực lượng hòa bình phương Tây ở Ukraine "cực kỳ nguy hiểm"
(Dân trí) - Moscow coi ý tưởng của phương Tây triển khai lực lượng hòa bình ở Ukraine là "cực kỳ nguy hiểm" và đồng nghĩa với trực tiếp tham chiến chống lại Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 31/3 tiết lộ, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận có cử lực lượng hòa bình đến Ukraine hay không.
Phản ứng về thông tin này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Nếu chúng ta đang nói về một số loại đàm phán nghiêm túc, thì đây là một cuộc thảo luận cực kỳ nguy hiểm. Trong thực tiễn thế giới, các lực lượng như vậy thường chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của cả hai bên. Trong trường hợp này, nó có khả năng là một chủ đề rất nguy hiểm".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo, bất cứ động thái nào của EU nhằm triển khai lực lượng hòa bình ở Ukraine sẽ bị coi là trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột với Nga. Ông cho rằng, kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây rất đáng nghi trong bối cảnh Mỹ và đồng minh tiếp tục viện trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine.
"Mục đích thực sự của họ rất rõ ràng: thiết lập một nền hòa bình có lợi cho họ, đưa lực lượng mang súng máy, xe tăng đến Ukraine trong vỏ bọc lực lượng hòa bình", ông Medvedev nói.
Ông nhấn mạnh: "Rõ ràng, lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO khi đó sẽ tham chiến chống lại Nga. Họ sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga nếu được đưa đến tiền tuyến mà không có sự đồng ý của Moscow và mang trong tay vũ khí đe dọa trực tiếp đến chúng ta".
Nga nhiều lần cảnh báo Mỹ và phương Tây ngừng cung cấp khí tài cho Ukraine bởi những viện trợ này chỉ khiến xung đột dai dẳng và kéo theo nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân. Ước tính, trong vòng hơn một năm qua, các nước NATO đã viện trợ quân sự hơn 100 tỷ USD cho Kiev, bao gồm xe tăng, hệ thống phòng không, đạn dược. Dù luôn tuyên bố không phải bên tham chiến, nhưng giới chức phương Tây nói rằng mục tiêu của họ là "thất bại chiến lược" của Nga trên chiến trường.
Những nước này cũng phản đối đề xuất ngừng bắn ở Ukraine ở thời điểm hiện tại do lo ngại Moscow sẽ tận dụng cơ hội này để khôi phục lực lượng cho đợt tấn công mới.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 31/3 đã công bố các đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, bao gồm cả việc ngừng bắn và một lệnh cấm điều động binh lính cũng như vũ khí nhằm khiến các bên không thể sử dụng thỏa thuận đình chiến để tái tập hợp lực lượng. Theo ông Lukashenko, không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho một lệnh ngừng bắn giữa Nga - Ukraine và Kiev cũng không nên theo đuổi chiến dịch phản công mùa xuân vì điều đó sẽ hủy hoại các cơ hội hòa đàm với Moscow.
Bình luận về đề xuất trên, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho hay, ông Lukashenko sẽ có cơ hội thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào tuần tới. Ông lưu ý, Nga vẫn coi hành động quân sự "là con đường duy nhất để đạt được các mục tiêu của đất nước".
Ông cũng từ chối so sánh đề xuất hòa bình của Belarus với kế hoạch 10 điểm do Trung Quốc đưa ra tháng trước với lý do "đây là hai nhóm ý tưởng". Người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ, một số điều khoản trong kế hoạch của Trung Quốc hiện không thể được thực hiện do Ukraine bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.