1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng tại châu Phi

(Dân trí) - Nga được cho là đang nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu Phi bằng các thương vụ mua sắm vũ khí, các khoản đầu tư và hoạt động hợp tác quốc phòng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin Archange Touadera. (Ảnh: Kremlin)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin Archange Touadera. (Ảnh: Kremlin)

Hãng tin AFP cho biết, Nga trong 3 năm qua đang nỗ lực nhằm củng cố và gia tăng vị thế tại châu Phi thông qua hàng loạt các hoạt động đầu tư, hợp tác quân sự, mua bán vũ khí sau nhiều năm “im ắng” tại khu vực. Giới quan sát cho rằng Nga dường như đang cạnh tranh trực tiếp với các nước châu Âu và Trung Quốc tại đây.

Nỗ lực của Nga gần đây có thể thấy rõ nhất tại nước Cộng hòa Trung Phi (CAR), một quốc gia nghèo đói và bất ổn về chính trị cũng như chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Pháp từ trước tới nay. Từ đầu năm 2018, Nga đã bắt đầu cung cấp vũ khí cho quân đội CAR sau khi nhận được sự đồng thuận của Liên Hợp Quốc (LHQ), cũng như đảm bảo an ninh cho Tổng thống CAR Faustin-Archange Touadera. Hiện thời, cố vấn an ninh của ông Touadera cũng là người mang quốc tịch Nga.

Moscow cũng cử 5 quân nhân và 170 công dân tới thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn lực lượng vũ trang CAR, dù lực lượng này đã được EU đào tạo.

Ngoài ra, Nga hiện đang vận chuyển vũ khí cho Cameroon trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân Boko Haram. Moscow cũng bắt tay về lĩnh vực quân sự với Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Burkina Faso, Uganda và Angola. Họ còn hợp tác về mặt điện hạt nhân với Sudan.

Nga cũng đang triển khai các dự án khai mỏ với Zimbabwe và Guinea, lĩnh vực mà Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư.

Chuyên gia Dmitry Bondarenko của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Moscow) nhận định rằng vị thế của châu Phi trong chiến lược của Nga ngày càng được nâng cao và củng cố từ năm 2014. Sau sự kiện Crimea sáp nhập về Nga, Moscow được cho là đang muốn nâng cao tầm ảnh hưởng với các vấn đề trên thế giới, cạnh tranh trực tiếp với phương Tây.

Trước đây, Liên Xô đã hiện diện mạnh mẽ tại châu Phi, hỗ trợ hàng loạt các phong trào giành độc lập của các quốc gia này, cũng như gửi tới hàng chục ngàn cố vấn tới các quốc gia thuộc địa mới được giải phóng.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã khiến nước Nga trong một thời gian dài “bỏ rơi” các dự án tại châu Phi vì lý do kinh tế. Sự thiếu hụt vốn đầu tư đồng nghĩa với các cơ sở ngoại giao đóng cửa, các chương trình tài trợ bị cắt giảm và quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước châu Phi cũng bị hạn chế về quy mô.

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền vào những năm 2000, Moscow dường như đã bắt đầu lại quá trình xây dựng quan hệ với hàng loạt các chuyên thăm tới các nước châu Phi. Người kế nhiệm ông sau đó, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev cũng tới thăm các quốc gia ở "lục địa đen", mang theo phái đoàn gồm hàng trăm chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Các nhà quan sát cho rằng sự xuất hiện của Nga sẽ giúp các nước châu Phi giảm bớt phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn khác và có thể góp phần khiến cục diện địa chính trị tại châu lục này thay đổi đáng kể.

Đức Hoàng

Theo SCMP