1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại châu Phi

Các thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ giành được quyền kiểm soát một cảng thương mại lớn ở khu vực Sừng châu Phi, củng cố đáng kể ảnh hưởng của nước này ở khu vực có chiến lược quan trọng này đang dấy lên những lo ngại ở Mỹ.


Djibouti có vị trí chiến lược quan trọng

Djibouti có vị trí chiến lược quan trọng

Theo CNN, cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ Djibouti đã chấm dứt hợp đồng điều hành cảng Container Doraleh (DCT) với nhà khai thác cảng DP World có trụ sở tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Lý do mà Chính phủ Djibouti đưa ra là việc này đi ngược lại các lợi ích cơ bản của đất nước.

Cảng DCT nằm ở ngay cạnh căn cứ quân sự duy nhất của Trung Quốc ở nước ngoài. Đây cũng là cảng chính để tiếp cận các căn cứ của Mỹ, Pháp, Italia và Nhật Bản ở Djibouti. Trong đó, căn cứ Lemonnier của Mỹ đang có khoảng 4.000 người, bao gồm binh lính của một số lực lượng đặc nhiệm. Đây cũng là nơi được Mỹ sử dụng để tiến hành nhiều chiến dịch quân sự và chống khủng bố trên khắp châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ Dương.

Việc Chính phủ Djibouti đột ngột giành lại quyền kiểm soát cảng biển thuộc tầm lớn nhất châu Phi này đã dấy lên những đồn đoán cho rằng nó có thể rơi vào tay người Trung Quốc. Các nhà làm luật Mỹ dẫn các báo cáo cho biết Chính phủ Djibouti đang chuẩn bị trao cảng biển này cho Trung Quốc như một “món quà”. Hiện nay, Công ty nhà nước Trung Quốc China Merchants Port đang sở hữu đến 23,5% cổ phần tại cảng trên.

Những thông tin về số phận của cảng biển trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Djibouti đang phụ thuộc nặng vào nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc và 2 nước có quan hệ ngoại giao khăng khít. Số phận của cảng biển này đã trở thành chủ đề chính của các cuộc thảo luận trong phiên điều trần của Ủy ban quân vụ của Thượng viện Mỹ vừa diễn ra.

Tại phiên điều trần, Tướng Thomas Waldhauser – chỉ huy quân sự của Mỹ ở khu vực châu Phi – cho rằng, việc Trung Quốc kiểm soát được cảng trên có thể hạn chế việc sử dụng cảng, hoặc thậm chí là ngăn khả năng tiếp cận một tuyến đường tiếp tế và một chặng tiếp nhiên liệu cho lực lượng hải quân của Mỹ. “Nếu người Trung Quốc giành được quyền kiểm soát cảng đó, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”, ông Waldhauser và cảnh báo giới chức Mỹ cần cẩn thận trước các bước đi tới đây.

Chính phủ Djibouti do Tổng thống Ismail Omar Guelleh đứng đầu cho đến nay hoan nghênh vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế của nước này với lý do Djibouti nghèo nàn về nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển phụ thuộc vào việc tối đa hóa lợi thế về vị trí. Theo thống kê do Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu công bố hồi đầu năm, Trung Quốc đã cung cấp cho Djibouti hơn 1,4 tỉ USD để phát triển hạ tầng, tương đương 75% GDP của nước Đông Phi này. Bên cạnh đầu tư vào DCT, các công ty nhà nước của Trung Quốc còn đầu tư vào các lĩnh vực như nước và đường sắt kết nối Djibouti với Ethiopia.

Theo AP, phát biểu tại Ethiopia trong chuyến công du châu Phi hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã lên tiếng cảnh báo về các điều khoản đi kèm trong làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi. “Chúng tôi không tìm cách để đẩy những khoản đầu tư của Trung Quốc khỏi châu Phi. Các nước này đều cần những khoản đầu tư đó. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các nước châu Phi cần cẩn thận xem xét các điều khoản”, ông Tillersons nói.

Theo Ngoại trưởng và các quan chức Mỹ, các điều khoản đó dẫn tới những thỏa thuận mà theo đó các công nhân Trung Quốc chứ không phải người châu Phi mới được nhận được vào làm việc tại các công trường xây dựng. Giới chức Mỹ cũng cho rằng các công ty Trung Quốc không tuân thủ luật chống hối lộ, khiến nạn tham nhũng ở châu Phi càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tệ hơn, theo cảnh báo của giới chức Mỹ, nếu một nước nào đó lâm vào khó khăn về tài chính, họ có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát cơ sở hạ tầng vào tay người cho vay.

Theo Tâm An

Pháp luật Việt Nam