Nga nghi chất độc mưu sát cựu điệp viên có thể xuất phát từ Anh
(Dân trí) - Một quan chức ngoại giao cấp cao Nga nghi ngờ rằng chất độc sử dụng trong âm mưu ám sát cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm trên đất Anh.
Cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia ngày 4/3 bị phát hiện bất tỉnh tại trung tâm thương mại ở thành phố Salisbury, Anh. Cảnh sát Anh nghi ngờ họ bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc này.
Đại sứ Nga tại liên minh châu Âu EU Vladimir Chizhov ngày 18/3 trả lời hãng tin BBC, khẳng định rằng Nga không có liên quan tới âm mưu trên. Đại sứ Chihzov cho rằng dù ông Skripal có thể bị coi là “kẻ phản bội” nhưng theo quan điểm pháp luật, Nga không chống lại với cựu điệp viên này. Ông Chizhov nghi ngờ chất độc này có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm Porton Down, cách Salisbury 12 km. Đây là cơ sở thí nghiệm quân sự lớn nhất của Anh, và ông Chihzov cho rằng đây là nơi Anh dường như đang tiến hành nghiên cứu về chất độc hóa học.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cũng cho biết ông chưa có bằng chứng cụ thể cho nghi vấn nói trên.
Bình luận của ông Chizhov được đưa ra sau khi nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ nghi ngờ rằng chất độc Novichok có thể xuất phát từ Anh, Cộng Hòa Séc, Slovakia, Thụy Điển hoặc Mỹ. Bà Zakharova cho biết một lượng lớn các nhà khoa học Liên Xô cũ đã chuyển sang phương Tây sinh sống và mang theo “công nghệ mà họ nghiên cứu”, ám chỉ chất Novichok.
Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Martin Stropnicky cho rằng nghi vấn trên là “vô căn cứ”. Cả Thụy Điển và Anh cũng đã lên tiếng bác bỏ nghi ngờ từ phía Nga.
Anh, Mỹ, Pháp và Đức đồng loạt cáo buộc Moscow đứng sau vụ tấn công nhằm vào cựu Đại tá tình báo Skripal, trong khi chính phủ Nga kịch liệt bác bỏ các cáo buộc này. Nga khẳng định sẵn sàng hợp tác điều tra vụ việc với Anh, nhưng với điều kiện Anh phải cho phép Nga tiếp cận với các tài liệu cũng như mẫu chất hóa học nghi vấn.
Ông Sergei Skripal, 66 tuổi, từng là phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Năm 2004, ông bị kết tội làm gián điệp cho Anh và lĩnh án 13 năm tù. Sau đó, ông đã được phóng thích và cho phép tị nạn ở Anh năm 2010 trong cuộc trao đổi gián điệp giữa Nga và Mỹ.
Đức Hoàng
Theo BBC