1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga nêu rõ lập trường, đánh giá khả năng đàm phán với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố không có cơ sở nào để tiến hành các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở thời điểm hiện tại.

Nga nêu rõ lập trường, đánh giá khả năng đàm phán với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).

"Cho đến nay, tại thời điểm này, không có cơ sở nào cho các cuộc đàm phán vì mọi người đều biết rõ lập trường của Ukraine rằng họ từ chối bất kỳ hình thức đàm phán nào. Vì vậy, chiến dịch quân sự đặc biệt (của Nga) vẫn tiếp tục", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 27/4.

Ông Peskov cho biết quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc đàm phán với Ukraine "đã được nêu rõ".

"Lần gần đây nhất tổng thống đề cập đến vấn đề này trong cuộc trao đổi với Tổng thống (Belarus Alexander) Lukashenko", ông Peskov lưu ý.

Ông cũng nhắc lại rằng "lập trường của Nga là nhất quán", khi trả lời câu hỏi liệu dự thảo thỏa thuận Istanbul có thể đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đàm phán với Kiev hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "Moscow. Kremlin. Putin", dự kiến được phát sóng vào ngày 28/4, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết số phận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được định đoạt.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko hôm 11/4, Tổng thống Putin nhắc lại rằng Nga không phủ nhận việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, giải thích rằng đó "chính xác là những gì chúng tôi muốn làm". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận áp đặt nào mà bỏ qua lợi ích của mình.

Đề cập kế hoạch của Thụy Sĩ nhằm tổ chức một hội nghị quốc tế vào tháng 6 về hòa bình ở Ukraine, ông Putin lưu ý rằng Nga chưa được mời. Thụy Sĩ cho biết nước này sẽ tổ chức một hội nghị hòa bình dựa trên công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine, trong đó yêu cầu Nga phải rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga nhắc lại rằng trong cuộc đàm phán ở Istanbul vào tháng 3/2022, phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga. Tuy nhiên, "dưới áp lực từ phương Tây, phía Ukraine đã từ chối tham gia các thỏa thuận này".

"Chúng tôi được thông báo rằng Ukraine không thể ký văn bản và chúng tôi phải rút quân khỏi Kiev. Vì vậy, chúng tôi đã làm vậy", tổng thống Nga nói. Ông nói thêm: "Ngay sau khi chúng tôi làm điều đó, các thỏa thuận của chúng tôi đã bị hủy bỏ".

Theo ông Putin, Ukraine hiện đã nhận ra rằng họ không thể đánh bại Nga trên chiến trường, nhưng bằng việc từ chối đàm phán, Kiev đã tự đẩy mình vào chân tường.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một đạo luật vào năm 2022 tuyên bố không thể đàm phán hòa bình với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin vẫn còn nắm quyền.

Nga nhiều lần khẳng định về nguyên tắc sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình với Ukraine. Tuy nhiên, theo Moscow, Kiev và phương Tây đã đặt ra những điều kiện tiên quyết phi thực tế cho các cuộc đàm phán.

Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nhưng phải dựa trên "các thực tế mới", nói cách khác là Ukraine phải thừa nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm