1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu rào cản trong tiến trình đàm phán hòa bình với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cho rằng tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine có thể gây khó khăn cho nỗ lực đàm phán hòa bình của Moscow và Kiev.

Nga nêu rào cản trong tiến trình đàm phán hòa bình với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 24/7 rằng, tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể gây ra vấn đề khi Moscow và Kiev đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình.

"Tổng thống của chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Tổng thống Zelensky chắc chắn không còn tính hợp pháp", ông Peskov nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố Tổng thống Zelensky không còn là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ukraine. Ông Putin lý giải, không điều khoản nào trong hiến pháp Ukraine nói về gia hạn quyền lực của tổng thống sau khi nguyên thủ hết nhiệm kỳ.

Ông lưu ý, hiến pháp Ukraine chỉ quy định việc mở rộng quyền lực cho quốc hội, mà không đề cập đến việc mở rộng quyền lực của tổng thống. Do vậy, quyền của tổng thống Ukraine nên được chuyển cho người đứng đầu quốc hội bởi vì cơ quan có thẩm quyền hợp pháp duy nhất hiện nay ở Ukraine là quốc hội.

Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh, Ukraine nên tổ chức bầu cử sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Zelensky đã hết.

Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5.

Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.

Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật.

Người phát ngôn Điện Kremlin hôm nay cũng chỉ ra một vấn đề khác "có thể cản trở nghiêm trọng tiến trình hòa bình". Đó là sắc lệnh do Tổng thống Zelensky ký năm 2022 "cấm bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào của Ukraine tham gia đàm phán với Tổng thống Putin".

Cuối năm 2022, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông cũng đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường biên giới lãnh thổ năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Moscow nhiều lần khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev nhưng với điều kiện Ukraine phải "chấp nhận tình hình thực tế", bao gồm việc công nhận các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập.

Tổng thống Putin gần đây tuyên bố Nga sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nếu Kiev rút quân khỏi Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, công nhận bán đảo Crimea là một phần của Nga. Ông cũng nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng sẽ yêu cầu Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Theo RT