1. Dòng sự kiện:
  2. Ông Trump bị ám sát hụt
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu điều kiện giải quyết hòa bình cuộc xung đột với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga cho biết mọi tuyên bố của chính quyền Ukraine về việc sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao chỉ là những lời nói suông.

Nga nêu điều kiện giải quyết hòa bình cuộc xung đột với Ukraine - 1

Phái đoàn Nga - Ukraine đàm phán năm 2022 (Ảnh: Sputnik).

"Nếu chính quyền ở Kiev thực sự sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, trước hết, họ cần hủy bỏ sắc lệnh cấm tiến hành các cuộc đàm phán với lãnh đạo Nga và đồng ý thảo luận tập trung về các sáng kiến khác, ngoại trừ "công thức hòa bình Zelensky"", ông Alexey Polishchuk, quan chức Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng tin Tass hôm 16/7.

"Chừng nào lệnh cấm còn hiệu lực và "công thức hòa bình Zelensky" tiếp tục được thực hiện, mọi tuyên bố của Kiev về khát vọng hòa bình chỉ là những lời nói suông. Chúng tôi chắc chắn hầu hết quốc gia trên thế giới đều hiểu điều này", ông Polishchuk nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng, tuyên bố của đại diện Kiev về việc sẵn sàng đàm phán với Nga chỉ nhằm "giành được thiện cảm của các quốc gia ở Nam bán cầu và lôi kéo họ về phía phương Tây chống Nga".

Cuối năm 2022, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Zelensky cũng đưa ra công thức hòa bình 10 điểm trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường biên giới lãnh thổ năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea. Nga đã sáp nhập Crimea năm 2014.

Tuy nhiên, Moscow nhiều lần khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev nhưng với điều kiện Ukraine phải "chấp nhận tình hình thực tế".

Tổng thống Putin gần đây đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Tổng thống Zelensky ngày 15/7 nói rằng các đại diện của Nga nên tham gia hội nghị lần thứ hai về giải quyết xung đột Ukraine. Việc chuẩn bị cho hội nghị này sẽ hoàn tất vào tháng 11.

Hội nghị đầu tiên về Ukraine được tổ chức vào ngày 15-16/6 tại Burgenstock, Thụy Sĩ theo yêu cầu của Kiev. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị không nhận được chữ ký của Armenia, Bahrain, Brazil, Colombia, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Jordan, Libya, Mexico, Rwanda, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vatican. Nga không được mời tham dự hội nghị.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng hội nghị hoàn toàn thất bại và những sự kiện như vậy không thể là cơ sở cho hòa bình lâu dài.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba từng gợi ý, Kiev có thể đàm phán với Moscow sau hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesksov tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận những quy tắc do người khác áp đặt.

Theo Tass