1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - NATO "so găng" vũ khí

(Dân trí) - Việc Nga và NATO lại lên tiếng tố cáo lẫn nhau khiến cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng tới mức độ được cho là chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Máy bay ném bom Tu-95 của Nga (trên) bị phi cơ của Không quân Hoàng gia Anh hộ tống. (Ảnh:
Máy bay ném bom Tu-95 của Nga (trên) bị phi cơ của Không quân Hoàng gia Anh "hộ tống". (Ảnh minh họa: Independent)
 
Đổ lỗi cho nhau

Ngày 16/6, Tổng thống Nga Putin thông báo nước này sẽ bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân trong năm 2015. Thông báo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi có tin Mỹ và NATO có kế hoạch đưa xe tăng cùng vũ khí hạng nặng đến gần biên giới Nga.

Các quan chức cao cấp Nga cáo buộc NATO gây hấn khi chuẩn bị đưa thêm vũ khí đến sườn phía Đông giáp Nga. Người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov tố cáo NATO đang xâm phạm các đường biên giới của Nga và tìm cách thay đổi cán cân chiến lược tại khu vực.

 
Đồng thời, theo cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov, việc Nga bổ sung 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân của nước này là để đối phó với những nguy cơ hiện hữu tại đây.
 
Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm các hệ thống định vị vô tuyến mới, có khả năng rà quét tầm rộng và phát hiện từ xa các mục tiêu trên không, để theo dõi các động thái quân sự của phương Tây. Ngoài ra, quân đội Nga cũng sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí mới khác, trong đó có xe tăng Armata và xe bọc thép thế hệ mới.

Giải thích về những động thái của Nga, ông Yuri Ushakov nêu rõ: “Nga đang cố gắng phản ứng theo một số cách trước những mối đe dọa, nhưng không có gì khác ngoài điều đó. Chúng tôi không chạy đua vũ trang vì sẽ ảnh hưởng tới năng lực của chúng tôi về mặt kinh tế”.

Ngược lại, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án Ngađe dọa và gây bất ổn khu vực. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cho rằng ông Putin đang có hành động phản chiếu Chiến tranh Lạnh và rằng “Tuyên bố của ông Putin về tăng dự trữ kho tên lửa chiến lược là không cần thiết, chắc chắn không đóng góp vào ổn định và không làm lắng dịu tình hình căng thẳng tại châu Âu”.

Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cũng chỉ trích quyết định mới của ông Putin, rằng điều này không giúp Nga, châu Âu hay Mỹ vượt qua những khó khăn hiện tại trong quan hệ ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ quan ngại và nhấn mạnh: Washington không muốn thấy quan hệ song phương với Nga trở lại tình trạng Chiến tranh Lạnh.

 
Ông John Kerry nhắc lại Hiệp ước START (1991) với nhận xét: Hai bên đã hợp tác tốt từ thập niên 1990 về phá hủy vũ khí hạt nhân tại các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, đồng thời khẳng định: Tôi tin rằng không ai muốn quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh nữa”!
 
Tuy nhiên, ông Kerry không xác nhận việc Lầu Năm Góc có kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng sang Đông Âu như báo New York Times tiết lộ cuối tuần trước.

Về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) 1987, Nga – Mỹ đã cam kết không sản xuất, thử nghiệm và triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Vì thế, Mỹ cho rằng Mỹ định triển khai tên lửa ở châu Âu vì lo ngại Nga vi phạm INF, còn Nga khẳng định nếu Mỹ triển khai tên lửa thì chẳng khác nào Mỹ rút khỏi INF.

Su-30 là một trong những dòng máy bay tiêm kích mới nhất của hải quân Nga hiện nay. (Ảnh:
Su-30 là một trong những dòng máy bay tiêm kích mới nhất của hải quân Nga hiện nay. (Ảnh: Airliner)
 

 Đâu là thực chất

Ngày 16/6, trong cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Tổng thống Nga Putin nêu rõ: “Nếu ai đó đặt một số vùng lãnh thổ của chúng ta vào vòng nguy hiểm, chúng ta phải hướng quân đội và sức chiến đấu đến vùng lãnh thổ đã đe dọa chúng ta”. Ông nhấn mạnh: “Chính NATO đã đến biên giới chúng ta chứ không phải chúng ta đến đó”.

Tổng Thư ký NATO nêu lại nhận xét rằng những điều Nga làm sẽ gây bất ổn và nguy hiểm, đồng thời thanh minh: “Chúng tôi tăng cường sự hiện diện ở phía Đông NATO để đáp ứng môi trường an ninh mới”. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cũng xác nhận đang đàm phán với Mỹ về triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan và các nước Baltic.

Theo giới phân tích, để hiểu thực chất quan điểm của hai bên thì cần đi sâu vào những động thái chiến lược của họ.

Vào cuối năm 2013, Dự án phát triển hệ thống “Tấn công toàn cầu tức thì” đã hé mở, theo đó Mỹ có thể đưa các vũ khí tầm xa tới bất kỳ nơi nào trên thế giới mà vẫn có thể tránh bay qua các quốc gia thù địch.

“Vũ khí siêu thanh tiên tiến” (AHW) đã được bắn thử từ Hawaii trúng mục tiêu trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương cách 3.700km chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút. Với AHW, Mỹ có thể tấn công các mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 1 giờ và tới Nga chỉ mất 16 phút.

Theo giới quan sát, Mỹ cũng đang nghiên cứu tên lửa siêu thanh Mach 5 (6.125 km/h), gần như không thể cản phá, vì nó có một quỹ đạo bay khó dự đoán hơn các tên lửa đạn đạo thông thường.

 
Chương trình X-51A của Mỹ còn ở đẳng cấp cao hơn, được giới nghiên cứu ví von rằng: “Phóng thử thành công tên lửa siêu âm X-51A Waverider giống như là bước nhảy vọt từ máy bay cánh quạt sang máy bay phản lực sau Thế chiến II”.
 
Điều quan trọng hơn là Quốc hội Mỹ đã thông qua ngân sách chi cho chương trình phát triển tên lửa siêu thanh X-51A Waverider, Falcon HTV-2AHW”. Về lý thuyết, Mỹ sử dụng các loại tên lửa này cho mục đích chiến tranh thì sẽ khó có loại vũ khí nào có khả năng “bắn hạ” chúng.
 
Còn về phía Nga, ngày 20/1/2015, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Tên lửa chiến thuật của Nga - ông Boris Obnosov công bố với tạp chí “Defense of Russia” của Nga rằng: Các nhà khoa học Nga đã phát minh ra được công thức nhiên liệu đặc biệt, tạo điều kiện cho các tên lửa siêu thanh của Nga có thể bay nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Theo đó, lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp nhận một số lượng “khủng” tên lửa siêu thanh mới trong khoảng thời gian từ 15 đến 25 năm, với các nguyên mẫu đầu tiên sẽ được chế tạo trước năm 2020.
 
Theo Ông Obnosov, sự phát triển của tên lửa siêu thanh của Nga và Mỹ hiện ở mức tương đương nhau, tuy nhiên, kế hoạch triển khai của Moscow sẽ nhanh chóng biến các hệ thống BMD của Mỹ trở nên lỗi thời “quá đát”.
 

Trực thăng UH-60M Black Hawk được thông báo tham gia cuộc tập trận Atlantic Resolve

Trực thăng UH-60M Black Hawk được thông báo tham gia cuộc tập trận Atlantic Resolve

Mới đây, tuyên bố của ông Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã gây sự chú ý cho giới nghiên cứu khi cho rằng, “hệ thống phòng không - vũ trụ Nga (ASD) có thể đánh chặn tất cả các loại tên lửa siêu thanh trên thế giới. Hệ thống phòng không thế hệ mới nhất S-500 của Nga có khả năng tiêu diệt được vũ khí siêu thanh của Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn chung công nghệ vũ khí siêu thanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn khác nhau, nhất là thiết kế phức tạp và giá thành còn quá cao. Vì thế, cả hai bên vẫn cần một thời gian quá độ. Theo đó, các vũ khí đặt gần biên giới của nhau vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, hiệu quả răn đe lẫn nhau vẫn là chủ yếu./.
 

Nguyễn Nhâm