1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - NATO lại khẩu chiến về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania

Lời trần tình của Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski đưa ra hôm 29-5 rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt ở nước này không đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga dường như không có tác dụng...

... Ngược lại, những tuyên bố từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, các nhà lãnh đạo tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại đang lôi cả hai vào một cuộc khẩu chiến mới.

Hãng thông tấn PAP dẫn lời của Ngoại trưởng Ba Lan Witold Wasczykowski nói: “Tổng thống Nga Vladimir Putin nên biết rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan không làm ảnh hưởng đến an ninh của Nga. Đây là hệ thống để bảo vệ an ninh cho châu Âu thoát khỏi nguy cơ bị tấn công từ Trung Đông. Lực lượng an ninh Ba Lan cùng các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ, NATO sẽ có trách nhiệm đảm bảo việc này đối với Nga để chính quyền Moscow không phải nghi ngờ”.

Cũng theo lời ông Witod Wasczykowski, sự tham gia của Ba Lan trong NATO và việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu cũng là cách để NATO gia tăng sức mạnh cho khu vực này. Tháng 7 tới, chính quyền Warsaw sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh NATO và việc kích hoạt hệ thống phòng thủ mới là một minh chứng quan trọng cho sức mạnh của NATO trong khu vực.

Ngoại trưởng Ba Lan còn cho biết thêm rằng, nhiều khả năng, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO lần đó, Warsaw sẽ đăng cai tổ chức cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO.

Riêng về mối quan hệ song phương Ba Lan-Nga, ông Witod Wasczykowski cho biết, từ tháng 1 đến nay, ông đã có nhiều cuộc tham vấn chính trị với Đại sứ Nga tại Thủ đô Warsaw và đang vạch lộ trình hợp tác mới cho hai nước.

Về phía lực lượng an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz nhấn mạnh, mở rộng vai trò của NATO ở khu vực Đông Âu là cần thiết nhưng điều đó không có nghĩa là để “đe dọa Nga”. Bản thân ông Antoni Macierewicz cũng hứa sẽ có những cuộc làm việc cụ thể với đại diện về an ninh của Nga trong vấn đề này.


Binh sĩ Ba Lan và binh sĩ đang xem xét một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trong cuộc tập trận chung ở Sochaczew, gần Warsaw hồi tháng 3-2015.Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ba Lan và binh sĩ đang xem xét một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trong cuộc tập trận chung ở Sochaczew, gần Warsaw hồi tháng 3-2015.Ảnh: Reuters

Trên thực tế, mối quan hệ Nga-NATO chưa bao giờ nồng ấm. Ngược lại, quan hệ này liên tục gặp sóng gió bởi những kế hoạch an ninh từ hai phía. Cách đây nửa tháng, hai bên từng đối đầu trong một cuộc khẩu chiến khi Mỹ kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 800 triệu euro tại Romania.

Còn nay, trong tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 27-5 cùng với Thủ tướng Hy Lạp Aleksis Tsipras, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, Nga sẵn sàng phản ứng với các hành động triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh NATO tại các quốc gia sát biên giới với Nga và rằng Moscow sẽ phải buộc thực hiện các biện pháp nhất định nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.

Đồng thời, ông Vladimir Putin cũng chỉ ra rằng lý do mà Mỹ-NATO đưa ra đều vô nghĩa bởi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 đã hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, các tên lửa của Mỹ từ hệ thống lá chắn này lại có thể dễ dàng bắn tới các thành phố của Nga.

Tổng thống Nga nói: “Nếu Romania đơn giản không biết hệ thống này nhằm vào mục tiêu nào thì chúng tôi vẫn buộc phải có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Nga. Tôi nhắc lại rằng đây sẽ là những biện pháp “trả đũa”. Một hệ thống tương tự sẽ được triển khai tại Ba Lan và chúng tôi đang chờ đợi những hành động cụ thể từ Ba Lan. Chúng tôi sẽ không hành động cho đến khi nhìn thấy những tên lửa được triển khai sát biên giới Nga”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, NATO tại châu Âu từ lâu đã gây tranh cãi. Theo kế hoạch của Mỹ, sau khi kích hoạt lá chắn tên lửa ở Romania, Washington sẽ xây dựng lá chắn tên lửa mới ở Ba Lan và địa điểm cuối cùng tại Ba Lan dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018.

Khi hoàn thành, chiếc ô phòng vệ sẽ bao phủ từ Greenland tới quần đảo Azores (thuộc Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương. Toàn bộ lá chắn tên lửa cũng bao gồm các tàu và radar trên khắp châu Âu. Nó sẽ được bàn giao cho NATO vào tháng 7 này, với việc căn cứ không quân của Mỹ tại Đức sẽ kiểm soát và chỉ huy.

Nhiều chuyên gia quân sự Nga trước đó cũng nhận định rằng, rất có thể hiện giờ, Mỹ chỉ lắp đặt các tên lửa đánh chặn này có tầm bắn khoảng 500km, nhưng trong tương lai sẽ là 1.000km và thậm chí 2.400km. Sự lo ngại của Nga là có cơ sở vì hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại châu Âu bắt nguồn từ một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hải quân và từng được sử dụng để phóng các tên lửa hành trình Tomahawk. Thứ 2, các trạm radar lắp đặt theo hệ thống này có thể dùng để giám sát một phần không phận của Nga…

Cho đến nay, trước những cáo buộc từ phía Nga, NATO vẫn chỉ phản ứng một cách chung chung rằng, những lời cáo buộc này là phi lý và mục đích của tổ chức này là phòng thủ, không phải nhằm chống lại Nga.

Theo Sông Thương

Công an nhân dân