NATO dùng "chiến tranh nóng" để dập "chiến tranh lạnh" với Nga?
NATO một mặt tuyên bố không muốn gây ra “chiến tranh lạnh” mới với Nga nhưng không ngừng kết nạp thêm thành viên, triển khai vũ khí đến sát nách Nga.
NATO không muốn chiến tranh lạnh, nhưng phải tăng cường thực lực
Vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Ba Lan TVN rằng, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không muốn có cuộc "chiến tranh lạnh" mới với Nga.
Ông cho biết rằng, khối này từ lâu đã theo dõi việc Nga đang đầu tư mạnh vào các lực lượng vũ trang và NATO chỉ đáp trả những hành động này và tăng cường quốc phòng, nhằm mục đích "tránh leo thang căng thẳng" và ủng hộ một cuộc đối thoại mở với Moscow.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng vào lúc này liên minh không thấy có mối đe dọa trực tiếp tới các thành viên liên minh. Mặc dù nước Nga hiện nay không phải là một đối tác chiến lược mà NATO muốn thấy sau "chiến tranh lạnh" nhưng quan hệ giữa 2 bên cũng chưa đến mức đối đầu.
Stoltenberg cũng bình luận rằng, mặc dù NATO không muốn một cuộc “chiến tranh lạnh” mới với Nga, nhưng liên minh này cũng buộc phải tăng cường sức mạnh quân sự ở sườn phía đông.
"Chúng tôi đang đưa ra một tín hiệu rõ ràng rằng, NATO sẽ bảo vệ tất cả các đồng minh trước các mối đe dọa. Đây là thông điệp chính của khối đồng minh quân sự này và cũng chính là điều làm nên sức mạnh của liên minh" - nhà lãnh đạo NATO nói.
Các quan chức và chuyên gia đến từ Moscow trong mấy ngày qua đã tập trung chỉ trích dữ dội các động thái mới nhất nhằm vào Nga của khối đồng minh quân sự này.
Đầu tiên là việc Ukraine bổ nhiệm cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen làm cố vấn của Tổng thống nước này là ông Petro Poroshenko.
Ngay sau khi được trao chức vụ mới, ông này đã đưa ra những lời khuyên cho Kiev rằng, Ukraine sẽ có thể thuyết phục các nước phương Tây kéo dài thời hạn trừng phạt Nga, nếu họ sẽ chứng minh được tiến bộ trong việc thực hiện cải cách và cuộc chiến chống tham nhũng.
Ông này tuyên bố sẽ cố vấn cho Tổng thống Poroshenko tạo ra một "con đường hai chiều" giữa Ukraine và phương Tây. “Tôi sẽ thuyết phục với EU rằng, Kiev đã thực hiện các cải cách cần thiết, và sẽ giải thích những ưu tiên chính trị của các đối tác châu Âu cho Ukraine" - ông Rasmussen nói.
Hành động thứ 2 của NATO khiến Nga “nổi điên” là việc lôi kéo thành công Thụy Điển tái lập quan hệ với khối này. Quốc hội nước này vừa phê duyệt "Hiệp định về hỗ trợ quân sự của nước chủ nhà", cho phép NATO chuyển lực lượng quân sự phản ứng nhanh và tiến hành tập trận quân sự trên lãnh thổ của mình.
Bằng cách đó, Thụy Điển đã tìm ra cách tái lập quan hệ với NATO, mà vẫn chưa phải là thành viên Khối Liên minh này. Bộ Quốc phòng nước này giải thích sự cần thiết của một bước như vậy bằng lí giải là “có sự hiện diện của mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Nga”.
Ngoài ra, Mỹ và Anh đang chuẩn bị gửi hàng ngàn binh lính và xe tăng, thiết giáp tới 3 nước Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania, trong khuôn khổ chương trình mới của NATO. Vấn đề này sẽ được quyết định tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 ở Warszawa (Ba Lan).
Đồng thời, NATO cũng xem xét khả năng đặt kho chứa xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác ở Đông Âu, tập trung ở Ba Lan; triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania và trong tương lai có thể là cả Ukraine, để tăng cường khả năng phòng thủ của NATO trước Nga.
NATO dùng “chiến tranh nóng” để dập “chiến tranh lạnh”?
Bình luận về những động thái mới nhất của Mỹ và NATO đối với Nga, một chuyên gia Mỹ khẳng định rằng, khối đồng minh quân sự này đang chuẩn bị cho cuộc chiến thực sự với Moscow.
Một chuyên viên cao cấp về Nga là giáo sư người Mỹ Stephen Cohen cho biết, những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh của NATO để “chống lại mối đe dọa tưởng tượng từ nước Nga” nên được coi là để chuẩn bị cho cuộc chiến thực sự.
Theo quan điểm của ông Cohen, những gì đang xảy ra giữa Nga và NATO không phải là chỉ là “chiến tranh lạnh”, mà còn là giai đoạn khởi đầu của một cuộc “chiến tranh nóng”. Ông nhấn mạnh rằng, chính Hoa Kỳ đã đẩy tình hình đi quá xa, còn Nga "chỉ phản ứng" mà thôi.
Ông nhắc lại rằng Liên minh quân sự NATO đang thực hiện kế hoạch triển khai hàng chục nghìn binh sĩ quay vòng liên tục gần biên giới của Nga, cùng với các loại vũ khí hạt nhân, lữ đoàn thiết giáp và hệ thống phòng thủ tên lửa đang dần siết chặt vòng vây quanh Moscow.
Theo ông, việc cáo buộc Putin đe dọa các nước Baltic nên NATO cần có thêm các động thái phòng thủ và đáp trả thực ra là một kiểu "tuyên truyền chiến tranh" để phá hoại mối quan hệ giữa Nga và EU, buộc chặt các nước châu Âu vào “cỗ xe...” của Mỹ.
Nguyên nhân thứ 2 của cái gọi là “mối đe dọa từ Nga” nên phải mở rộng Liên minh không phải xuất phát từ vấn đề an ninh, mà là từ lợi nhuận. Hầu hết các thiết bị quân sự của NATO sản xuất tại Mỹ, các thành viên mới của NATO sẽ trở thành những khách hàng béo bở của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Một nhà phân tích của châu Âu là chuyên gia phân tích quân sự Martin Koller đã bình luận về sự khiêu khích của NATO đối với Nga bằng cụm từ “khi người sống sót ghen tị với người chết”.
Ông này cho rằng, hành động mới nhất của NATO là điều động nhóm quân của Cộng hòa Czech đến sát biên giới Nga với khẩu hiệu “đoàn kết với NATO” là động thái có thể khiến Nga nổi khùng và hoàn toàn có thể kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông Koller cho rằng, quyết định của chính quyền Czech là động thái chính trị sai lầm. Ông nhắc lại những ví dụ lịch sử, khi Hoa Kỳ hoặc Đức cũng theo cách này đã thúc đẩy "sự chuẩn bị xâm lược" từ phía các nước thứ ba.
Vị chuyên gia này cho rằng, lực lượng quân sự của NATO lớn gấp mấy lần so với lực lượng vũ trang của Nga. Vì vậy, trong trường hợp chiến tranh giữa hai bên nổ ra, việc Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân làm đòn đáp trả NATO là điều hầu như không thể tránh khỏi.
Theo lời ông Martin Koller, sự khiêu khích của NATO có thể khiến các nước châu Âu phải trả giá. Khi đó, “những người sống sót sẽ phải ghen tị với người đã chết" - vị chuyên viên này đưa ra kết luận bi thảm trong cuộc phỏng vấn của Parlamentni Listy.
Theo Huy Bình
Đất Việt