Nga - Mỹ nối lại đàm phán: Bước ngoặt lịch sử sau nhiều năm "nguội lạnh"
(Dân trí) - Cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Mỹ ở Ả rập Xê út với những thỏa thuận mà hai bên đạt được đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.

Phái đoàn Nga và Mỹ đàm phán ở Ả rập Xê út ngày 18/2 (Ảnh: Getty).
Ông Dmitry Suslov, một thành viên của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, nói với hãng tin RT rằng, cuộc gặp giữa phái đoàn Nga và Mỹ tại Ả rập Xê út hôm 18/2 đã chứng minh sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của Washington đối với Moscow.
Các phái đoàn cấp cao của Nga và Mỹ đã họp tại Riyadh để tìm cách khôi phục quan hệ ngoại giao, đặt nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine.
Theo Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov, một thành viên của phái đoàn Nga, hai bên đã có cuộc thảo luận nghiêm túc về tất cả vấn đề được lên kế hoạch thảo luận, bao gồm việc đưa lập trường của hai nước xích lại gần nhau hơn cũng như hướng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Lavrov và Rubio đã nhất trí thành lập các nhóm đàm phán và hợp tác về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm về địa chính trị.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Moscow, cho biết cả hai phái đoàn đã làm việc "khá thành công" trong việc cải thiện quan hệ" và "lắng nghe lẫn nhau".
Theo ông Suslov, "sự công nhận" của Mỹ đối với "lợi ích và mối quan tâm" của Nga là vô cùng quan trọng, vì đây là sự thừa nhận đầu tiên như vậy trong hơn 4 thập niên.
"Đây là cuộc họp cấp cao chính thức và đầy đủ đầu tiên giữa Mỹ và Nga trong 3 năm qua và là cuộc họp đầu tiên sau hơn 40 năm mà ở đó Mỹ đã có một cuộc thảo luận, một cuộc đối thoại công nhận lợi ích của Nga cũng như giải quyết các mối quan ngại của Nga", ông Suslov nhận định.
"Điều này thay đổi toàn bộ mô hình chính sách của Mỹ đối với Nga, không chỉ trong những năm gần đây mà còn trong toàn bộ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh", ông Suslov, phó phòng Kinh tế Thế giới và Chính trị Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow và là chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai, nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng chú ý đến tuyên bố của ông Kirill Dmitriev, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga, một thành viên trong phái đoàn đàm phán của Nga.
Trong tuyên bố trước thềm cuộc đàm phán, ông Dmitriev ước tính các công ty Mỹ đã mất hơn 300 tỷ USD khi rời khỏi thị trường Nga trong bối cảnh Nga bị áp lệnh trừng phạt do chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo ông Suslov, Nga có thể đã xác định được một yếu tố then chốt có thể lôi kéo chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn được xem là một nhà lãnh đạo "thực tế", cụ thể là vấn đề "tài chính và tài nguyên". Ông lập luận rằng các cân nhắc về tài chính, đặc biệt là lợi nhuận và thua lỗ, là trọng tâm trong quá trình ra quyết định của ông Trump.
"Nếu Mỹ muốn giảm thiểu tổn thất và bắt đầu kiếm lợi nhuận trở lại trên thị trường Nga, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ đảm bảo cho lợi ích của chính nước Mỹ", chuyên gia Nga lập luận.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Yuri Ushakov và các thành viên của phái đoàn tham dự cuộc hội đàm tại Cung điện Diriyah ở Riyadh, Ả rập Xê út (Ảnh: Reuters).
Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt đã ca ngợi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Riyadh là bước đi đầu tiên nhưng "mang tính lịch sử" hướng tới hòa bình ở Ukraine.
"Đây thực sự là bước đi mang tính lịch sử hướng tới hòa bình trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine", bà Leavitt nói với hãng tin Fox News, đồng thời cho biết chính quyền Mỹ vẫn duy trì liên lạc với giới lãnh đạo Ukraine, cũng như với các đồng minh châu Âu để đảm bảo "tất cả các bên đều được lắng nghe".
"Bạn phải trao đổi với cả hai bên trong cuộc chiến để thực sự đàm phán một thỏa thuận. Đây là bước đi đầu tiên quan trọng hướng tới hòa bình", quan chức Mỹ nhấn mạnh, đồng thời chỉ trích chính quyền tiền nhiệm "không đàm phán, không thảo luận, không ngoại giao".
Sau khi kết thúc đàm phán với phái đoàn Nga, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố viễn cảnh chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể mở khóa liên minh kinh tế "lịch sử" giữa Washington và Moscow.
Ông Rubio cho biết, nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch trong quá trình giải quyết xung đột Ukraine, Nga và Mỹ có thể thiết lập một mối quan hệ đối tác kinh tế đầy hứa hẹn.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, hai bên đã thống nhất về nhiều vấn đề, trong đó có việc "bắt đầu xác định những cơ hội có thể xuất hiện nếu cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc theo một cách có thể chấp nhận được".
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh nếu hai nước đạt được thỏa thuận về Ukraine, điều này sẽ mở đường cho việc hợp tác trong các vấn đề địa chính trị khác có lợi ích chung cũng như một số mối quan hệ kinh tế độc nhất vô nhị, thậm chí có thể mang tính lịch sử.
Ông Rubio thậm chí tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ phải giải quyết các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga để đạt được giải pháp "bền vững, lâu dài" cho cuộc xung đột ở Ukraine. Theo nhà ngoại giao Mỹ, vấn đề nới lỏng lệnh trừng phạt có thể là một phần của tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt xung đột.
Các nhà phân tích cho rằng, khi cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ diễn ra tại Ả rập Xê út, Moscow đã chấm dứt tình trạng bị cô lập chính trị sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine cách đây 3 năm.
Cuộc đàm phán kết thúc mà không đạt được nhiều thỏa thuận cụ thể, nhưng việc sự kiện này diễn ra, ngay cả khi không có Ukraine, đã là một bước tiến lớn cho Moscow.
"Việc các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ ngồi lại với nhau sau cánh cửa đóng kín và bàn luận về những vấn đề mà không có Ukraine ở đó, điều này có ý nghĩa lớn. Đó thực sự là điều có ý nghĩa to lớn và Tổng thống Nga Vladimir Putin hẳn rất vui mừng về tất cả điều này", Jenny Mathers, chuyên gia chính trị Nga và là giảng viên tại Đại học Aberystwyth của Anh, nhận định.