1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga lên tiếng về "tối hậu thư" của Ukraine, Trung Quốc thúc đẩy hòa đàm

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga tuyên bố các giải pháp chính trị và ngoại giao sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của Moscow vào các cuộc đàm phán với Ukraine.

Nga lên tiếng về tối hậu thư của Ukraine, Trung Quốc thúc đẩy hòa đàm - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin (Ảnh: Tass).

Sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin và Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Li Hui, Bộ Ngoại giao Nga hôm 3/3 tuyên bố các giải pháp chính trị và ngoại giao về Ukraine sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của Moscow.

Ông Hui đã gặp ông Galuzin trong chuyến thăm của đặc phái viên Trung Quốc tới châu Âu nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Hui dự kiến cũng đến thăm Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và trụ sở chính của EU tại Brussels.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, các bên đã nhất trí rằng "các thỏa thuận sẽ không đạt được nếu không có sự tham gia của Moscow và xem xét lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh".

"Các tối hậu thư của Kiev và phương Tây đặt ra cho Nga và các "hình thức đối thoại" liên quan đến các tối hậu thư đó chỉ gây tổn hại đến triển vọng của thỏa thuận và không thể coi là nền tảng của thỏa thuận", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong thông báo sau cuộc họp của quan chức hai nước rằng, Trung Quốc sẵn sàng "tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình, làm trung gian và xây dựng sự đồng thuận giữa Nga, Ukraine và các bên liên quan khác".

Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga và không lên án cuộc chiến chống lại Ukraine cũng như không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế.

Mặc dù Bắc Kinh chưa công khai cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Nga, nhưng tình báo phương Tây cho rằng Trung Quốc đã cung cấp cho Nga một lượng lớn hàng hóa có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của nước này đối với Moscow để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 2 tuyên bố "kế hoạch hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thực chất là một tối hậu thư dành cho Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng kêu gọi Mỹ và các đồng minh từ chối hỗ trợ Ukraine và ngừng thúc đẩy "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky.

Điện Kremlin cho rằng hiện tại không có triển vọng giải quyết hòa bình và ưu tiên hàng đầu của Nga vẫn là đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng biện pháp quân sự. Tuy nhiên, Moscow cho rằng tình hình có thể thay đổi nếu các bên tính đến thực tế lãnh thổ mới và đáp ứng các yêu cầu của Nga.

Những điểm chính trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky gồm khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Nga phải rút hết quân, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và an toàn hạt nhân, trả tiền bồi thường, cũng như thiết lập một nghị định thư về hòa bình giữa Kiev và Moscow.

Công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi Nga trao trả lại 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập cũng như bán đảo Crimea. Tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine gồm Zaporizhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm