Triển vọng Nga - Ukraine đàm phán xa vời sau 2 năm chiến sự
Những tháng đầu năm 2024 chứng kiến sự thất thủ của pháo đài Avdiivka, giáng đòn mạnh vào sĩ khí Ukraine và là cú hích tinh thần cho Nga. Nhưng về tổng thể, cuộc xung đột vẫn chưa thể kết thúc trong năm nay, theo giới phân tích.
"Nga đang tiến lên một chút nhưng sẽ không dẫn đến sự đột phá lớn", ông Robert English - Giám đốc trường quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam California và là cựu chuyên gia phân tích chính sách tại Lầu Năm Góc - nhận định với phóng viên Dân trí. "Nga có thể chiếm thêm lãnh thổ, nhưng Ukraine sẽ lập phòng tuyến mới và Nga sẽ giảm tốc độ để hồi sức. Vì thế, tôi cho rằng tiền tuyến sẽ không thay đổi lớn trong năm nay".
Nhưng không phải chỉ vì diễn biến chậm chạp trên chiến trường mà xung đột Ukraine có nguy cơ kéo dài quá năm nay. Một nguyên nhân nữa là do không có bên nào đặt ra mục tiêu chính trị rõ ràng và tương đối dễ chấp nhận với bên kia.
"Rất khó để họ quan tâm tới đàm phán hòa bình vì cả 2 bên đều cam kết theo đuổi các mục tiêu đòi hỏi cực đại", ông English chỉ ra.
Các đòi hỏi cực đại
Mục tiêu của Ukraine - khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, trong đó bao gồm bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014 - là rõ ràng nhất nhưng khó có thể thành hiện thực, đặc biệt là khi viện trợ phương Tây đang dao động.
Phương Tây cũng phải tính đến rủi ro leo thang nếu Ukraine thực sự tái kiểm soát Crimea. Một số quan chức cấp cao của Moscow như Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev từng cảnh báo khả năng chiến tranh hạt nhân nếu viễn cảnh ấy xảy ra.
Mục tiêu mà Nga tuyên bố - phi phát xít hóa, phi quân sự hóa, và trung lập của Ukraine - có sự linh hoạt và biến đổi tùy theo tình hình chiến trường. Nhưng quan trọng hơn là cả Kiev và phương Tây dường như tin rằng bất cứ thỏa thuận nào vào lúc này cũng chỉ là khoảng lặng tạm thời để Moscow tiến đến khuất phục Ukraine.
Về phía phương Tây mà vai trò chủ đạo là Mỹ, Tổng thống Joe Biden từng khẳng định mục tiêu viện trợ là giúp Ukraine có vị thế mạnh nhất có thể khi tới thời điểm đàm phán cuối cùng.
Tuy nhiên, một cơ hội như thế đã vụt mất cùng với sự thất bại của cuộc phản công mùa hè năm 2023, thời điểm Kiev sở hữu nhiều vũ khí do phương Tây cung cấp. Ít nhất phải qua một thời gian nữa, Ukraine mới có thể củng cố lại lực lượng để thực hiện các chiến dịch mới.
Như vậy, nếu không có đột phá trên chiến trường, Ukraine sẽ không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và Nga sẽ cảm thấy điều đó là không cần thiết.
"Tôi không thấy khả năng sớm diễn ra bất kỳ cuộc đàm phán nào", ông Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng về Chính sách đối ngoại và quốc phòng có trụ sở ở Moscow, nói với AFP. "Không có điều gì để hai bên có thể thương lượng".
Thế bế tắc chính trị
Cả 3 bên quan trọng nhất trong cuộc xung đột - Ukraine, Nga, và Mỹ - đều đang rơi vào tình thế khó khăn về chính trị, dù Moscow có thể dễ thở hơn nhờ bước tiến gần đây trên thực địa.
Tình hình đối với Ukraine là khó khăn hơn cả khi cuộc phản công mùa hè không như kỳ vọng, dù phương Tây đã viện trợ lượng lớn trang thiết bị và đào tạo binh sĩ dùng chiến thuật NATO. Gần đây, ông Zelensky tiếp tục có bước đi gây tranh cãi khi "thay tướng giữa dòng".
Tổng thống Zelensky đang chịu áp lực lớn khi gặp phải những lời chỉ trích từ các đối thủ tiềm năng, như Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko, về cuộc phản công thất bại, tình trạng tham nhũng, và quyết định không tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 3.
Trong bối cảnh ấy, chính quyền của ông Zelensky vẫn kiên định với lập trường chỉ đàm phán khi nào quân đội Nga rút toàn bộ khỏi các vùng lãnh thổ của nước này được quốc tế công nhận.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, gần đây đã nhắc lại lập trường ấy với AFP. "Việc đàm phán là không thể trong bất cứ trường hợp nào khác", ông Podolyak nói.
Ông English cho rằng, chính quyền ông Zelensky khó có thể ngồi vào bàn đàm phán vì nếu thay đổi quan điểm vào lúc này, đó sẽ là "tự sát chính trị".
Tình thế tương tự cũng đang làm khó ông Biden. Sau khi hứa hỗ trợ Ukraine "tới chừng nào cần thiết", Tổng thống Mỹ không thể gây áp lực buộc Kiev nối lại đối thoại với Moscow vào lúc này vì sẽ để lộ sơ hở cho ông Trump và phe Cộng hòa công kích.
"Họ sẽ hỏi rằng tại sao ông Biden chấp nhận vẫn thỏa thuận ấy vào lúc này, khi mà Mỹ đã tốn hàng chục tỷ USD, cả Ukraine và Nga đều chịu thiệt hại lớn, thậm chí cả thế giới cũng bị ảnh hưởng. Phải chăng những điều đó vốn vô nghĩa?", ông English chỉ ra.
Một thời khắc then chốt là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11.
Theo ông English, nếu ông Trump chiến thắng, Mỹ chắc chắn sẽ gửi đi thông điệp nghiêm khắc với Ukraine: Đã đến lúc hòa bình, không còn viện trợ quân sự nữa. Nếu ông Biden thắng, Nhà Trắng sẽ có dư địa chính trị để có cách tiếp cận thực tế hơn và thúc giục Ukraine đàm phán, nếu tổng thống muốn.
Cả trên chiến trường lẫn trên phương diện sản xuất quốc phòng, Nga đang chiếm ưu thế. Nhưng không phải vì thế mà nước này không có điều cần lo ngại.
"Sau khi đã hứa hẹn chiến thắng ở Kiev, Điện Kremlin khó có thể chấp nhận lệnh ngừng bắn với tiền tuyến như hiện tại, dù họ vẫn có khả năng đó", ông English nói.
Kinh tế Nga đang mang "sắc hồng" nhưng động lực đằng sau sự tăng trưởng là chi tiêu cho quốc phòng, trong khi chi tiêu xã hội không được chú trọng. Điều này có thể làm phát sinh vấn đề về lâu dài. Và tuy Nga hiện có đủ lực lượng, tổn thất nhân lực về dài hạn cũng sẽ gây ra khó khăn, theo ông English.
"Tới cuối cùng, sự phản đối của người dân sẽ gia tăng nên Điện Kremlin không thể duy trì như vậy mãi. Nhưng họ có vẻ có thể chịu đựng lâu hơn Ukraine", ông English nhận định.
4 mặt trận
Các chuyên gia đều cho rằng trong năm 2024, giao tranh Ukraine vẫn sẽ tiếp diễn và có thể còn ác liệt hơn trước.
Nhưng trong khi nhiều người cho rằng việc Ukraine đuối sức trước Nga về lâu dài là tất yếu, một số nhà quan sát như ông Michael Clarke, thành viên Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) và là Giáo sư thỉnh giảng nghiên cứu quốc phòng tại King's College London, không đồng tình như vậy.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Clarke chỉ ra rằng tương lai cuộc xung đột trong năm 2025-2026 sẽ được định đoạt bởi 4 mặt trận trong năm nay.
Mặt trận đầu tiên là trên bộ. Với quân số và kho khí tài cạn kiệt, Kiev có thể phải chấp nhận mất một số phần lãnh thổ dọc tiền tuyến trong năm nay. Sau thành công tại Avdiivka, Nga có thể tiếp tục chiếm Kupyansk ở xa hơn về phía bắc.
Phía Ukraine sẽ cố gắng củng cố phòng tuyến ở mặt trận phía nam và phía tây, đặc biệt là xung quanh Slavyansk và Kramatorsk, để ngăn chặn lực lượng Nga chiếm toàn bộ vùng Donbas.
Mặt trận thứ hai là trên Biển Đen. Trước các đòn tập kích bằng xuồng tự sát của Ukraine, Hạm đội Biển Đen của Nga đã rời căn cứ ở Sevastopol, giúp Kiev khai thông các tuyến đường vận chuyển thương mại tới lưu vực sông Danube và Địa Trung Hải.
"Đáng kể nhất, thành công của Ukraine trong việc đe dọa vị thế của Nga tại Crimea đã mang lại cho nước này đòn bẩy chiến lược trước Moscow", ông Clarke nói.
Mặt trận thứ ba là cuộc chiến trên không: Chính sự thống trị trên không của Nga đã ngăn chặn cuộc phản công mùa hè 2023 của Ukraine. Những khí tài của Nga như tên lửa đạn đạo Iskandr, tên lửa hành trình Kh-101, trực thăng tấn công Ka-52 và bom lượn hạng nặng FAB-500 tạo thành mối đe dọa nguy hiểm đối với lực lượng mặt đất Ukraine.
Ukraine vẫn đang trông chờ vào sự xuất hiện của những chiếc F-16 do phương Tây viện trợ để phá vỡ thế thống trị bầu trời của Nga, nhưng tác động của chúng vẫn chưa chắc chắn.
Ông Clarke cho rằng, Kiev sẽ cố gắng cầm chân Moscow tại 3 mặt trận trên để câu giờ cho mặt trận quyết định nhất: Sản xuất quốc phòng. Nguyên nhân là với cuộc xung đột vẫn mang tính chất thời đại công nghiệp như Ukraine, bên nào có thể chế tạo lượng lớn khí tài đủ để áp đảo đối thủ trong thời gian dài sẽ giành chiến thắng.
Theo báo cáo gần đây của RUSI, Nga hiện có 470.000 quân ở Ukraine và có thể luân chuyển 400.000 người khác trong năm nay, dù không động viên thêm quân. Họ có 2.000 xe tăng ở Ukraine và có thể sản xuất thêm 1.500 chiếc/năm. Nga cũng dự kiến có đủ 4 triệu quả đạn pháo trong năm nay.
Nga chắc chắn có thể duy trì mức độ giao tranh tiêu hao trong năm tới. Nhưng dựa trên báo cáo của RUSI, ông Clarke cho rằng hoạt động sản xuất quốc phòng của Nga khó có thể duy trì sản lượng như trên cho tới năm 2025-2026. Đây cũng là thời điểm hoạt động sản xuất quốc phòng của chính Ukraine bắt đầu có hiệu quả lớn hơn.
Theo ông Clarke, kịch bản này phụ thuộc vào việc liệu các nước phương Tây có thể tăng cường dây chuyền sản xuất quốc phòng của chính họ hay không, ông Clarke chỉ ra.
"Với năng lực sản xuất vượt trội, các cường quốc phương Tây có thể chống đỡ Ukraine trong năm nay và để áp lực gia tăng trong 2 năm sau đó", ông Clarke nói. "Tất cả những gì phương Tây phải làm là thực hiện những lời hứa mà họ thường lặp đi lặp lại".