1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga lên tiếng sau cảnh báo về cuộc chiến với NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về khả năng xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Nga lên tiếng sau cảnh báo về cuộc chiến với NATO - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: Sputnik).

"Liệu tuyên bố của ông Austin là mối đe dọa trực tiếp đối với Nga hay là nỗ lực để tạo cớ cho (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky? Trong cả hai trường hợp, điều đó thật điên rồ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hôm 1/3.

"Bây giờ mọi người đều biết ai là người gây hấn, đó là Washington", bà Zakharova cho biết.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Nga sẽ chưa dừng lại nếu giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.

Ông Austin cảnh báo, nếu Ukraine thua trận, các nước Baltic có thể sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.

"Nếu là một quốc gia ở vùng Baltic, bạn sẽ thực sự lo lắng liệu bạn có phải là quốc gia tiếp theo (xung đột với Nga) hay không. Tôi tin, nếu Ukraine thua, NATO sẽ bị kéo vào một cuộc chiến với Nga", người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết.

Theo ông, các nước Baltic gồm Latvia, Lithuania and Estonia đặc biệt dễ tổn thương. Cả 3 nước này đều là thành viên của liên minh quân sự NATO. Điều này có nghĩa là, nếu Nga tấn công 1 trong 3 nước này, Moscow sẽ bị coi là tuyên chiến với toàn bộ liên minh quân sự gồm 31 thành viên do Mỹ dẫn dắt.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng chỉ trích tuyên bố "vô trách nhiệm" của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về khả năng xảy ra đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga. Theo ông Peskov, những tuyên bố này khiến căng thẳng leo thang hơn nữa.

"Điều quan trọng nhất là (những tuyên bố này) trên thực tế thể hiện thế giới quan của NATO. NATO coi Ukraine là lãnh thổ của riêng mình. Điều này một lần nữa nhấn mạnh tính đúng đắn tuyệt đối của những gì Nga đã làm, cũng như tính đúng đắn và lý giải cho chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine)", ông Peskov nói thêm.

Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, để ngăn kịch bản Nga giành chiến thắng ở Ukraine, quốc hội Mỹ cần nhanh chóng thông qua gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Nguồn viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã bị đình trệ kể từ cuối năm ngoái khi quốc hội nước này tiếp tục bất đồng về gói viện trợ mới cho Kiev. Vũ khí, đạn dược cạn kiệt đang gây khó khăn cho Kiev và giúp Nga giành thế chủ động trên chiến trường với bước tiến đáng kể nhất là kiểm soát thành phố Avdiivka ở miền Đông Ukraine.

Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer, quan chức từng đến thăm Kiev vào tuần trước, cho biết Ukraine đang "thua trong cuộc chiến" trước Nga. Theo ông Schumer, Tổng thống Zelensky và các quan chức Ukraine khác đã nói rõ với ông rằng "nếu không nhận được viện trợ, họ chắc chắn sẽ thua trong cuộc chiến".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tuần này ám chỉ rằng lực lượng NATO có thể được gửi tới Ukraine nếu tình hình ở Kiev tiếp tục xấu đi.

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này", ông Macron cam kết.

Tổng thống Zelensky cũng từng cảnh báo, Ukraine là vùng đệm an ninh giữa Nga và NATO, nếu mất vùng đệm này, an ninh châu Âu sẽ bị đe dọa.

Tuy nhiên, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức và các thành viên NATO khác đã bác bỏ những nhận xét của tổng thống Pháp, nhấn mạnh rằng không có kế hoạch sử dụng lực lượng của khối ở Ukraine.

Trong thông điệp liên bang hôm 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa bác bỏ suy đoán của Mỹ và các đồng minh rằng Nga có thể nhắm mục tiêu vào các quốc gia NATO.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm