1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga lên tiếng sau cảnh báo của NATO về nguy cơ chiến tranh

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đưa ra cảnh báo tới các nước đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng với Moscow.

Nga lên tiếng sau cảnh báo của NATO về nguy cơ chiến tranh - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Sputnik).

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ hôm 24/1, Ngoại trưởng Sergey Lavrov bình luận về lời kêu gọi của nhiều quốc gia phương Tây về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga trong những năm tới, đồng thời nói rằng ông hy vọng "những người cảnh báo về sự cần thiết phải chuẩn bị chiến tranh với Nga vẫn còn bản năng tự vệ".

"Chúng tôi không có mong muốn, không có nhu cầu về mặt quân sự, chính trị hay kinh tế để tấn công bất cứ ai ở bất cứ đâu", ông Lavrov nói.

Ông Lavrov dường như đề cập đến cảnh báo của một số thành viên NATO rằng căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh cuộc chiến ở Ukraine có thể lan sang các khu vực khác ở Đông Âu. Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng nếu Mỹ không thể tiếp tục hỗ trợ lực lượng phòng thủ của Ukraine trong xung đột với Nga, Washington và phương Tây có nguy cơ bị kéo vào cuộc chiến "trực tiếp" với Moscow.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ZDF của Đức hôm 22/1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã chỉ ra rằng mặc dù Đức hiện không bị đe dọa tấn công trực tiếp, nhưng nước này nên cố gắng hết sức để chuẩn bị cho điều đó.

Bình luận về kịch bản Nga có thể tấn công vùng Baltic, ông Pistorius nói rằng Berlin đang thành lập "Lữ đoàn Lithuania" đặc biệt để giải quyết những lo ngại đó. Đơn vị này bao gồm khoảng 4.800 binh sĩ, dự kiến sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2027 và sẽ là lực lượng đầu tiên của Đức đồn trú lâu dài ở nước ngoài kể từ Thế chiến 2.

Theo ông Pistorius, trong bối cảnh xung đột với Ukraine, Nga sẽ phải mất ít nhất vài năm để sẵn sàng cho một cuộc tấn công toàn diện khác và các nước phương Tây nên tận dụng thời gian này để tăng cường trang bị vũ khí cho mình.

Trước đó, báo Bild của Đức hồi đầu tháng trích dẫn một tài liệu mật cho biết, Đức đang chuẩn bị cho một kịch bản xung đột, trong đó Nga tiến hành một "cuộc tấn công mở" vào NATO vào giữa năm 2025, sau những thắng lợi lớn ở Ukraine. Moscow đã phủ nhận thông tin này.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, cũng cảnh báo người dân phải chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực với Nga trong 20 năm tới.

Điện Kremlin từng bác bỏ những lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột với phương Tây trong tương lai. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi các tuyên bố cho rằng Nga có thể tấn công NATO là "hoàn toàn vô nghĩa". Ông nhấn mạnh Moscow "không có lợi ích địa chính trị, kinh tế hay quân sự" khi làm như vậy.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Đức cũng dự đoán vào tháng 11 năm ngoái rằng NATO nên chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn với Nga trong vòng 5 đến 9 năm tới. Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Estonia đã công bố một báo cáo vào tháng trước, trong đó đưa ra mốc thời gian từ 3 đến 5 năm, làm tăng thêm lo ngại rằng các quốc gia vùng Baltic bị coi là "phần dễ bị tổn thương nhất của NATO".

NATO đã thực hiện các bước để tăng cường khả năng phòng thủ của khối trong những tháng gần đây. Liên minh này đã công bố kế hoạch vào tuần trước cho chiến dịch "Steadfast Defender 2024", cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Cuộc tập trận sẽ bao gồm 90.000 binh sĩ đồng minh và đóng quân ở Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới với Nga. Các địa điểm tập trận cũng được đặt ở các nước vùng Baltic và các đồng minh châu Âu khác, mặc dù NATO không xác định được bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào dẫn đến cuộc tập trận.

Một số đồng minh phương Tây hồi đầu tháng này cũng đã thống nhất mua tới 1.000 tên lửa Patriot trong nỗ lực tăng cường hệ thống phòng không của châu Âu. Hợp đồng trị giá 5,6 tỷ USD được Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha cùng các quốc gia khác cùng ký kết.

Theo Newsweek