Nga lên tiếng khi quan chức Ukraine dọa nhắm vào Tổng thống Putin
(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga nhận thức được những mối nguy hiểm từ Ukraine, bao gồm việc nhắm mục tiêu vào Tổng thống Vladimir Putin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/7 đã chỉ trích các mối đe dọa nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin do người đứng đầu Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) Kirill Budanov đưa ra trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Ông Peskov cho biết Moscow nhận thức được các mối đe dọa này và đang thực hiện các biện pháp phù hợp.
"Tất cả các mối đe dọa từ chính quyền Kiev đã rõ ràng. Vì vậy, an ninh của tổng thống được thiết lập ở mức phù hợp", người phát ngôn Điện Kremlin nói với hãng truyền thông Life của Nga.
Ông Budanov, người bị Moscow đưa vào danh sách cực đoan vì các hoạt động của mình, đã tiết lộ nỗ lực của Kiev nhằm nhắm mục tiêu vào Tổng thống Putin trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin NV của Ukraine hôm 12/7.
Quan chức tình báo Ukraine tuyên bố rằng cơ quan của ông đã thực hiện nhiều nỗ lực nhắm mục tiêu vào tổng thống Nga, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
"Những nỗ lực (nhắm vào ông Putin) đã diễn ra, nhưng cho đến nay vẫn không thành công", ông Budanov nói trong cuộc phỏng vấn.
Năm ngoái, Phó lãnh đạo Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) Vadim Skibitsky cũng tuyên bố Tổng thống Putin là một trong những mục tiêu nhắm đến của cơ quan này.
Ông Skibitsky cho hay, Tổng thống Putin có lẽ cũng nhận thấy rằng họ đang ngày càng tiến lại gần hơn. Tuy nhiên, quan chức tình báo Ukraine cũng thừa nhận, đến nay các đặc vụ của Ukraine vẫn chưa thể tiếp cận nhà lãnh đạo Nga. Ông Skibitsky nói, ngoài ông Putin, Kiev cũng nhắm đến các lãnh đạo cấp cao khác của Nga.
Hồi tháng 5/2023, Nga cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tập kích bằng 2 máy bay không người lái (UAV) vào Điện Kremlin nhằm ám sát Tổng thống Putin. Kiev đã lên tiếng bác bỏ.
New York Times hôm 24/5 dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ, các cơ quan tình báo của nước này nghi ngờ vụ tập kích Điện Kremlin được thực hiện bởi đơn vị tình báo hoặc lực lượng đặc biệt của Ukraine. Tuy vậy, tình báo Mỹ chưa thể xác định cụ thể đơn vị Ukraine nào đứng sau vụ việc.
Tình báo Mỹ cũng cho rằng, khả năng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao trong chính quyền Kiev biết trước về vụ tập kích này là rất thấp.
Phản ứng về thông tin này, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nói: "Rốt cuộc, đơn vị nào của Ukraine đã thực hiện vụ tập kích UAV vào Điện Kremlin không có gì khác biệt. Chúng tôi biết rằng chính quyền Kiev đứng đằng sau vụ việc đó. Chúng tôi biết điều đó, và đang thực hiện công việc của mình dựa trên điều này".
Căng thẳng đã leo thang gần đây khi Mỹ và một số nước phương Tây đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết những vũ khí do Washington cung cấp chỉ có thể được sử dụng để tấn công các khu vực ở Nga giáp với vùng Kharkov ở Ukraine. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng mở rộng phạm vi hoạt động trong tương lai.
Theo Tổng thống Biden, Mỹ không cho phép Ukraine tấn công sâu hơn 300km vào Nga và không cho phép tấn công vào thủ đô Moscow cũng như Điện Kremlin. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, Ukraine được quyền sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu quân sự ở biên giới Nga, nơi Moscow dùng để thực hiện những vụ tập kích Ukraine.