1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga lên dây cót tấn công hạt nhân chiến thuật, sẵn sàng đối đầu NATO?

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho kịch bản đối đầu với NATO khi tiến hành tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Nga lên dây cót tấn công hạt nhân chiến thuật, sẵn sàng đối đầu NATO? - 1

Hệ thống phóng tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của lực lượng vũ trang Nga và Belarus hôm 11/6 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Reuters).

Nhà phân tích quân sự Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí National Defense (Quốc phòng), cảnh báo các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật đang diễn ra của Nga không phải là một hành động phô trương.

Theo chuyên gia, mục đích của cuộc tập trận là diễn tập "các cơ chế thực tế" về sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nếu biện pháp này được triển khai trên thực tế.

"Đây không phải là tín hiệu cho ai đó, cũng không phải nhằm nêu bật các lằn ranh đỏ. Đây là hoạt động thực hành", ông Korotchenko nói với Sputnik.

Theo ông, các khía cạnh khác nhau của việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật được Nga thử nghiệm trong cuộc tập trận bao gồm việc trao quyền của tổng thống cho quân đội, mở khóa đầu đạn, nhập dữ liệu bay và nhắm mục tiêu, về cơ bản là mọi thứ liên quan đến một cuộc tấn công hạt nhân thực sự.

Ông Korotchenko tuyên bố, cuộc tập trận về cơ bản nhằm đảm bảo rằng lực lượng vũ trang Nga sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật chống lại lực lượng quân sự NATO, nếu lực lượng này được triển khai tới khu vực xung đột ở Ukraine để tấn công quân đội Nga tại đó.

"Đây là một cơ chế phản ứng trong trường hợp NATO xung đột với Nga", ông phỏng đoán.

"Chúng ta (Nga) không cần gửi tín hiệu cho bất cứ ai. Chúng ta không cần phải một lần nữa vạch ra lằn ranh đỏ vốn không còn giá trị. Chúng ta phải chuẩn bị cho hành động quân sự toàn diện liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật", ông nói thêm.

Ông Korotchenko lập luận rằng, những cuộc tập trận như vậy "nên được tổ chức thường xuyên và không có cảnh báo", đồng thời quân đội Nga nên sẵn sàng hành động nếu quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay 11/6 thông báo, quân đội Nga và Belarus đã bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, giai đoạn 2 của cuộc tập trận tập trung vào duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu của nhân lực và khí tài trong triển khai vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật để bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Liên minh (Nga và Belarus).

Ở giai đoạn 1 diễn ra tháng trước, quân đội Nga tập trung vào quá trình chuẩn bị đạn cho hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và trang bị đầu đạn đặc biệt cho hệ thống tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.

Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy các đoàn xe vận chuyển Iskander cùng với nhiều đầu đạn bị làm mờ hình ảnh. Một máy bay ném bom Tu-22M Backfire và một máy bay chiến đấu MiG-31K có khả năng mang tên lửa Kinzhal siêu thanh cũng xuất hiện trong đoạn phim.

Đoạn video được công bố ngày 11/6 cho thấy ở giai đoạn 2, một hệ thống tên lửa Iskander đã được đưa vào thao trường cùng với nhiều tên lửa khác, cũng như các máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31 và máy bay ném bom siêu thanh tầm xa Tupolev Tu-22M3.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để có thể sử dụng trên chiến trường, trái ngược với vũ khí hạt nhân chiến lược có phạm vi tấn công tầm xa xuyên biên giới và sức công phá lớn.

Về mặt kỹ thuật, cả 2 loại vũ khí hạt nhân này đều sử dụng phản ứng phân hạch và phản ứng tổng hợp hạt nhân để giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ. Sức công phá của vũ khí hạt nhân chiến thuật, dù thường nhỏ hơn vũ khí chiến lược, nhưng vẫn có thể so sánh với loại bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào cuối Thế chiến 2.

Nga tiến hành tập trận hạt nhân chiến thuật trong bối cảnh phương Tây đang để ngỏ khả năng đưa quân đến Ukraine và cho phép Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Theo giới chuyên gia hạt nhân phương Tây, Nga đang gửi tín hiệu ngăn cản NATO can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.

Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ không sử dụng loại vũ khí có sức công phá hủy diệt này cho mục đích mở rộng lãnh thổ. Thay vào đó, Moscow sẽ chỉ dùng chúng trong trường hợp lực lượng của họ phải rút lui và đối mặt với tổn thất nặng nề.

Theo Sputnik, Reuters