1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga lần đầu tuyên bố bắn hạ tên lửa ATACMS Mỹ cấp cho Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ hai tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nga lần đầu tuyên bố bắn hạ tên lửa ATACMS Mỹ cấp cho Ukraine - 1

Hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất (Ảnh: Te legram).

"Trong 24 giờ qua, lực lượng phòng không đã đánh chặn hai tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất, một tên lửa đất đối không S-200 được hoán cải để tấn công các mục tiêu mặt đất, hai tên lửa chống bức xạ HARM và hai rocket của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm 25/10.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó không đưa tin về việc tên lửa ATACMS bị phá hủy. Theo hãng tin Tass (Nga), đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố bắn hạ 2 tên lửa ATACMS của Mỹ.

Đầu tuần trước, Ukraine thông báo đã sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ lần đầu trong cuộc chiến, gây ra thiệt hại nặng nề cho 2 sân bay quân sự ở khu vực do Nga kiểm soát, khi phá hủy 9 trực thăng, kho đạn và các hệ thống vũ khí khác.

GeoConfirmed, nền tảng cộng đồng chuyên về dữ liệu tình báo nguồn mở trong xung đột Ukraine, dẫn kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Ukraine có thể đã vô hiệu hóa 21 chiếc trực thăng Nga trong lần đầu sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp, lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

Mỹ xác nhận đã chuyển cho Ukraine tên lửa ATACMS có tầm tấn công 165km. Đây được xem là sự thay đổi quan trọng trong quan điểm của Mỹ vì Washington từ trước tới nay vẫn khá thận trọng khi viện trợ vũ khí tầm xa cho Kiev, do lo ngại xung đột leo thang.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo quyết định của Mỹ khi gửi tên lửa ATACMS tầm xa tới Ukraine là một sai lầm lớn và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Ngoại trưởng Kuleba ngày 19/10 cho biết, kết quả của cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho thấy Washington sẽ sớm gửi cho Ukraine các tên lửa ATACMS có tầm tấn công gần gấp đôi tên lửa ATACMS hiện nay.

Lô ATACMS đầu tiên được chuyển tới Ukraine là phiên bản cũ hơn của MGM-140, do Lockheed Martin sản xuất vào những năm 1990, có tầm bắn lên tới 165km.

Ông Kuleba tin rằng lô tên lửa tiếp theo sẽ bao gồm phiên bản mới hơn và có thể tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300km. Nếu điều này xảy ra, các tên lửa mới sẽ gia tăng đáng kể năng lực tấn công tầm xa của Ukraine nhằm vào mục tiêu quan trọng của Nga ở khu vực tiền tuyến.

Ukraine đã nhiều lần đề nghị Mỹ cung cấp ATACMS và cam kết không sử dụng chúng nhằm vào lãnh thổ Nga, nhằm trấn an Washington về nguy cơ tên lửa ATACMS có thể khiến xung đột leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát. Kiev kỳ vọng những vũ khí uy lực này sẽ làm thay đổi cục diện của cuộc chiến kéo dài gần 20 tháng qua.

Hiện vẫn chưa rõ ATACMS sẽ giúp xoay chuyển tình thế ra sao, nhưng Ukraine cho rằng tên lửa này sẽ buộc Nga phải di chuyển các vũ khí chủ chốt ra xa tiền tuyến. Trong khi đó, Nga tuyên bố việc Mỹ viện trợ cho Ukraine tên lửa ATACMS và xe tăng Abrams sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường.

Theo Tass