Nga dùng biện pháp đặc biệt bảo vệ cầu Crimea
(Dân trí) - Nga đang tăng cường bảo vệ cầu huyết mạch nối liền bán đảo Crimea với đất liền, trong bối cảnh Ukraine đã được Anh cấp tên lửa có tầm bắn tối đa hơn 500km.
Tuần trước, Nga thực hiện một cuộc tập trận an ninh gần cầu Crimea, trong đó có hạng mục phun khói để ngụy trang tuyến giao thông huyết mạch.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, trong cuộc tập trận, Nga triển khai máy tạo khói gắn trên xe tải TDA-3 để che khuất một phần của cây cầu. Theo phía Anh, xe TDA-3 này có khả năng thuộc về Lữ đoàn 28 của Lực lượng Bảo vệ Hạt nhân, Sinh học và Hóa học của Nga.
Phía Anh nhận định, Nga từ lâu đã coi việc sử dụng khói như một yếu tố quan trọng trong chiến lược ngụy trang những công trình chiến lược.
Năm ngoái, để đối phó với rocket HIMARS Mỹ cấp cho Ukraine, Nga từng triển khai các thiết bị phản xạ radar và máy tạo khói nhằm bảo vệ các cây cầu huyết mạch hậu cần, trong đó có cầu Crimea.
Khói ngụy trang có mục tiêu làm cản trở đối phương quan sát mục tiêu. Ngoài ra, các đám khói này cũng có các chất hóa học có khả năng làm các thiết bị quang điện bị giảm khả năng hoạt động, từ đó khiến các vũ khí có khả năng tấn công chính xác cao bị giảm hiệu quả nhằm vào mục tiêu.
Nga có khả năng điều chỉnh thời lượng và mật độ của đám khói theo các yêu cầu cụ thể. Một đám khói ngụy trang có thể được duy trì từ 2 đến 6 giờ, bọc mục tiêu một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia, việc Nga tiếp tục triển khai thiết bị tạo khói ở cầu Crimea dường như là do Ukraine đã được Anh viện trợ tên lửa Storm Shadow, có tầm tấn công tối đa trên 500km. Dù Nga có các hệ thống phòng không có thể đánh chặn tên lửa này, nhưng điều đó không khiến cầu Crimea giảm nguy cơ bị tấn công.
Với tầm quan trọng của cây cầu như là một liên kết quan trọng giữa Crimea và đất liền Nga, nó cần được bảo vệ trước các vũ khí chính xác cao bằng mọi biện pháp.
Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây và cả Bộ Quốc phòng Anh tỏ ra hoài nghi với tính hiệu quả của phương pháp này.
Steve Brown, cựu chuyên gia về đạn dược và xử lý bom của Quân đội Anh, cho rằng việc sử dụng khói ngụy trang có thể gây ảnh hưởng tới thiết bị dẫn đường hồng ngoại trên vũ khí, nhưng khó làm tên lửa đánh trượt hoàn toàn.
Cầu Crimea kéo dài tới 18km với 4 làn xe cao tốc, 2 làn đường sắt, khiến việc che giấu hoàn toàn bằng khói là không thực tế.
Theo ông Brown, khói sẽ tác động đến khả năng nhằm mục tiêu của tên lửa ở một khu vực nhất định. Các phần khác của cây cầu vẫn đối mặt với rủi ro bị tấn công vì tuyến giao thông này có kích thước quá lớn.
Mặt khác, quân đội Anh cho rằng, chiến thuật ngụy trang bằng khói của Nga trong 15 tháng chiến sự vừa qua chưa thực sự hiệu quả. Năm ngoái, Nga từng dùng màn khói để bảo vệ các cây cầu huyết mạch ở Kherson, tuy nhiên HIMARS của Ukraine vẫn đánh trúng mục tiêu. Nga sau đó bị cắt đứt khả năng tiếp tế và buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson chiến lược.