Nga đối phó ra sao nếu Ukraine sở hữu 3 tên lửa đáng gờm của phương Tây?
(Dân trí) - Ngay những lần đầu tham chiến, tên lửa Storm Shadow của Ukraine do Anh viện trợ đã bị Nga phá hủy. Thậm chí phương tiện mang phóng là Su-24MR cũng bị bắn hạ cùng chiếc MiG-29 hộ tống.
Bộ 3 tên lửa đáng gờm của phương Tây
Mỹ-NATO đã phá vỡ hầu hết các "lằn ranh đỏ" của Moscow khi liên tục cung cấp cho Ukraine gần như trọn bộ những vũ khí trang bị hiện đại bậc nhất, gồm cả tên lửa hành trình cận âm phóng từ trên không có thể tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Những tên lửa thế hệ mới mà Ukraine đã và sắp nhận gồm Storm Shadow (Anh) SCALP (Pháp) và Taurus KEPD 350 (Đức) đang đặt ra cho Nga những thách thức không nhỏ. Hãy cùng điểm danh bộ 3 vũ khí đáng gờm này:
Storm Shadow: Tên lửa hành trình do Anh viện trợ có tầm bắn trên 250 km hoặc thậm chí tới 500km (tùy phiên bản), sở hữu khả năng tàng hình nhất định nhờ sử dụng vật liệu giảm bộc lộ tín hiệu radar và kích thước tương đối nhỏ, bay bám địa hình nên phòng không đối phương rất khó phát hiện sớm để đánh chặn hiệu quả.
Một khi xuyên thủng lưới lửa phòng không, với đầu đạn nặng 450kg tên lửa Storm Shadow có thể công phá mục tiêu kiên cố nằm sâu trong lòng đất hoặc ẩn sau lớp vỏ bê tông cốt thép dày nhiều mét.
Ngay khi vừa tiếp nhận, Không quân Ukraine đã sử dụng chúng tấn công vào những vùng do Nga kiểm soát ở miền Đông nhưng hầu hết đã bị bắn hạ. Tuy vậy, Storm Shadow được cho là đã gây ra một số thiệt hại, buộc Nga phải có biện pháp đối phó.
Mới đây nhất, hôm 3/6, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashnkov tuyên bố trong 24 giờ qua, các hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ 2 tên lửa Storm Shadow, 7 rocket của hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS Ukraine.
SCALP EG: Ukraine đã đề nghị Pháp viện trợ loại tên lửa "anh em của Storm Shadow". Mặc dù Paris chưa chính thức "gật đầu" nhưng nhiều khả năng Kiev sẽ sớm nhận được chúng.
SCALP được quảng cáo là loại tên lửa hành trình siêu chính xác cực kỳ nguy hiểm, có thể xuyên thủng bất cứ lớp phòng thủ nào của đối phương.
Cũng như Storm Shadow, SCALP sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar đi kèm hình dáng khí động học đặc biệt, bay thấp bám địa hình ở độ cao 30-40m, giúp hạn chế khả năng phát hiện và đánh chặn của phòng không đối phương.
Tên lửa có tầm bắn xa nhất lên tới 560 km, mang theo đầu đạn nặng 450kg, được dẫn đường quán tính, cập nhật đường bay thông qua bản đồ địa hình kỹ thuật số và định vị vệ tinh GPS chính xác cao.
Chúng còn sở hữu khả năng kháng nhiễu rất tốt nhằm ứng phó hiệu quả với các phương tiện tác chiến điện tử của đối phương. Khi áp sát mục tiêu, tên lửa dâng cao, tự lựa chọn góc tấn công phù hợp nhất để đâm xuyên qua mục tiêu kiên cố và phát nổ từ bên trong.
Taurus KEPD 350: Điểm làm nên uy lực cho loại tên lửa này là khả năng tàng hình để xuyên thủng các hệ thống phòng không dày đặc và thiết kế theo dạng mô đun với nhiều cấu hình khác nhau, tùy thuộc nhiệm vụ tấn công.
Tên lửa Taurus có tầm bắn 500km, mang đầu đạn kép MEPHISTO nặng 500kg đủ sức phá hủy mục tiêu quân sự cố định nằm sâu trong lòng đất hoặc phía sau lớp bê tông cốt thép dày tới 6m với bán kính sai số chỉ 2-3m.
Tên lửa có thể được lập trình để phát nổ trên một tầng cụ thể được chọn trước ở một tòa nhà nhất định, sau khi thâm nhập vào sâu bên trong mục tiêu, tên lửa sẽ phát nổ để làm tăng thiệt hại bên trong. Nếu không tự xác định được mục tiêu, tên lửa sẽ tự hủy trên không để tránh hậu quả không mong muốn.
Hiện Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa Taurus và chờ được phê chuẩn.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng chỉ cần một vài sửa đổi với cả 3 loại tên lửa kể trên là có thể gắn lên chiến đấu cơ nguồn gốc Nga/Liên Xô như Su-27, MiG-29 và Su-24 để tác chiến. Thực tế chứng minh Su-24 Ukraine đã mang phóng tên lửa Storm Shadow tham chiến.
Nga sẽ đối phó ra sao?
Trong trong trường hợp Ukraine nhận được cả 3 loại tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không được coi là hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay thì Nga sẽ làm gì và họ có đủ khả năng để vô hiệu hóa chúng hay không?
Điều không phải bàn cãi là ngay khi Kiev nhận được tên lửa mới, Nga sẽ tiến hành săn lùng và tiêu diệt để Ukraine không kịp sử dụng chúng. Tuy nhiên, điều này là không dễ dàng bởi lẽ những "át chủ bài" này luôn được Ukraine giấu kỹ, chỉ tung ra khi thời cơ đến.
Thực tế đã chứng minh, Nga nhận thấy rất rõ uy lực và sự nguy hiểm của tên lửa Storm Shadow mà Anh vừa viện trợ cho Ukraine vì vậy một trong những ưu tiên mà họ đang tiến hành là "phòng còn hơn chống", ra sức tìm diệt phương tiện mang phóng (Su-24) và phá hủy các kho cất trữ tên lửa của Ukraine.
Cách đây ít ngày, Ukraine được cho là có thể đã vô tình tiết lộ vị trí tên lửa của Anh khi đăng một tấm bưu thiếp in hình một chiếc máy bay ném bom Su-24 với phù hiệu Lữ đoàn Không quân Chiến thuật số 7 đóng tại vùng Khmelnytsky đang gắn tên lửa hành trình Storm Shadow trên cánh.
Sau vài ngày trinh sát kỹ, Nga đã tiến hành một đợt tập kích dữ dội vào căn cứ sân bay của đơn vị này. Kết quả trận đánh được công bố là ít nhất 5 máy bay chiến đấu Ukraine bị phá hủy, gồm cả Su-24 cùng một số kho nhiên liệu và lượng lớn đạn dược có thể gồm cả tên lửa Storm Shadow.
Chắc chắn trong trường hợp Ukraine nhận 2 loại tên lửa tiếp theo là SCALP và Taurus thì chúng cũng sẽ bị Nga săn diệt như Storm Shadow mà thôi.
Vốn đã ít, lại liên tục bị Nga bắn rơi hoặc phá hủy ngay tại căn cứ, số Su-24 của Không quân Ukraine ngày càng hiếm.
Thế nên, mặc dù sở hữu vũ khí đáng gờm như Storm Shadow hay tới đây là thêm 2 loại nữa của Pháp và Đức nhưng Không quân Ukraine lại đang thiếu trầm trọng phương tiện mang phóng.
Chỉ vài chiếc Su-24 xuất kích phóng một lượng hạn chế tên lửa hành trình sẽ khó có thể khiến phòng không Nga lúng túng.
Vậy khi Ukraine phóng tên lửa hành trình, Nga có đánh chặn được không?
Thứ nhất, về phòng thủ ở các khu vực mục tiêu trọng yếu thì khỏi phải bàn, hỏa lực của tên lửa S-300, S-400, Buk-M2/M3, Tor hay Pantsir-S/SM của Nga đều là "hung thần" đối với những loại tên lửa hành trình bay cận âm.
Xét về tính năng, cả Storm Shadow, SCALP hay Taurus đều chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn không đáng kể so với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, vốn là bại tướng trước các hệ thống phòng không do Nga chế tạo ở Syria.
Vào rạng sáng ngày 14/4/2018, Mỹ phối hợp với hai đồng minh Anh và Pháp, đã phóng hơn 100 tên lửa nhằm vào ba mục tiêu được cho là cơ sở vũ khí hóa học của chính quyền Syria ở thủ đô Damascus và tỉnh Homs.
Mặc dù có sự hỗ trợ về tình báo trên không của Nga, nhưng khách quan mà nói, phòng không Syria vốn khá mỏng và không mấy hiện đại, đã độc lập tác chiến bẻ gãy đòn tấn công "hội đồng" quy mô lớn, bắn hạ thành công 71 tên lửa gồm cả Tomahawk và SCALP do liên quân bắn đi, đạt hiệu suất diệt mục tiêu tới 70%.
Trong khi đó, mới chỉ vài lần tham chiến ở Ukraine nhưng tên lửa Storm Shadow cũng liên tục bị phòng không Nga đánh chặn thành công.
Qua thực tế chiến đấu với các hệ thống phòng không do Nga chế tạo, 2 trong 3 loại tên lửa mà Ukraine có thể nhận được từ phương Tây đã "kịp" là bại tướng, vậy thì kể cả thêm Taurus nữa cũng khó "xoay chuyển cục diện".
Tuy nhiên, nếu Ukraine áp dụng các thủ đoạn tác chiến đa dạng như phóng đồng loạt số tên lửa hành trình với số lượng đủ lớn kèm mục tiêu giả, mồi bẫy, phối hợp cùng "bầy đàn" UAV tiếp cận mục tiêu cùng lúc từ nhiều hướng khác nhau thì vẫn có thể gây quá tải và tạo ra sự lúng túng nhất định cho phòng không Nga.
Hãy cùng chờ xem kịch bản này xảy ra để xem lưới lửa của Moscow hoạt động ra sao.
Thứ hai, "ô che đầu" cho những cánh quân Nga cơ động ở tiền tuyến mặc dù khá hùng hậu về số lượng nhưng chủ yếu là các tổ hợp phòng không đời cũ có tầm bắn hạn chế, số Tor-M2, Buk-M3 hiện đại hơn còn ít.
Nếu Ukraine trinh sát tốt, tấn công trong thời gian thực bằng các loại tên lửa hành trình đối với các cụm quân Nga đang tạm dừng nghỉ hoặc các kho tàng, trạm xưởng, sở chỉ huy cố định ở gần chiến tuyến thì vẫn có thể gây ra những tổn thất không nhỏ.
Dù vậy, với số lượng phương tiện mang phóng (Su-24) có hạn, Ukraine khó tạo ra được những đột phá lớn kể cả khi họ sở hữu bộ 3 tên lửa hành trình cận âm này.
Nhận thức rõ điều đó, Kiev đang ra sức vận động phương Tây cung cấp tiêm kích F-16. Tuy nhiên, để đưa được chúng vào hoạt động thì còn phải mất nhiều tháng, thậm chí hàng năm nữa bởi việc đầu tiên là đào tạo đội ngũ phi công và nhân viên kỹ thuật của Ukraine còn chưa chính thức bắt đầu.