1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine cần gấp tiêm kích F-16 để làm chủ bầu trời, Nga tuyên bố đanh thép

N. Tuấn Sơn

(Dân trí) - Mặc dù Ukraine vẫn bảo toàn được một phần lực lượng, nhưng số máy bay Su-24 có khả năng mang phóng tên lửa hành trình còn lại quá ít, do vậy Kiev vẫn cần thêm tiêm kích F-16.

Ukraine cần gấp tiêm kích F-16 để làm chủ bầu trời, Nga tuyên bố đanh thép - 1

Chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo (giữa và bên phải) cùng tiêm kích Su-27 Ukraine trong cuộc diễn tập tại Mỹ (Ảnh: The Drive).

Vì sao Ukraine cần gấp F-16?

Sau hơn một năm xung đột, lực lượng vũ trang Ukraine mặc dù tổn thất lớn nhưng vẫn giành được những kết quả tích cực, thậm chí họ còn phản công đẩy lùi quân Nga khỏi khu vực phía bắc và đông bắc, tái kiểm soát một số vùng lãnh thổ khá rộng. 

Đặc biệt, phòng không - không quân Ukraine dù bị Nga săn diệt nhưng vẫn bảo toàn tương đối lực lượng và vẫn có những trận đánh trả hiệu quả. Tuy vậy, về cơ bản Nga vẫn làm chủ bầu trời. Không quân Ukraine với số lượng ít ỏi còn lại khó có thể giúp xoay chuyển tình thế.

Vì thế, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra sức vận động các nước phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu, trong đó có F-16. Một khi được trang bị dòng máy bay này với số lượng đủ lớn, Không quân Ukraine có thể thực hiện các mục tiêu:

Thứ nhất, F-16 phối hợp cùng MiG-29, Su-27 giúp Ukraine giành lại thể chủ động tương đối ở trên không nhằm đánh chặn hoặc cản trở các hoạt động của máy bay chiến đấu Nga, không cho chúng bay sâu vào nội địa để tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trấn áp hoặc vô hiệu hóa lực lượng phòng không Ukraine.

Chỉ riêng việc ngăn chặn được máy bay chiến đấu Nga ném bom lượn đã được xem là một thành công lớn đối với Ukraine.

Bên cạnh đó, F-16 có thể lấp chỗ trống tạm thời hoặc tăng cường lực lượng trong việc đánh chặn tên lửa hành trình Nga, một khi các hệ thống phòng không Ukraine bị đánh hỏng hoặc không kịp cơ động bịt lỗ hổng.

Thứ hai, F-16 có thể phối hợp cùng Su-24 và các loại máy bay khác để tăng cường chi viện hỏa lực đường không cho lục quân tác chiến trên mặt đất.

Thứ ba, quan trọng nhất, F-16 còn đóng vai trò là phương tiện mang phóng nhằm tiến hành các đòn tấn công hoặc trả đũa tầm xa bằng tên lửa hành trình của Mỹ (AGM-158 JASSM cùng biến thể diệt hạm LRASM) hoặc phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga và các khu vực ở miền Đông Ukraine hiện do Nga kiểm soát.

F-16 sẽ đối mặt với thách thức nào tại Ukraine?

Nhiều chuyên gia nhận định, sớm muộn gì Ukraine cũng sẽ nhận được F-16 từ phương Tây. Con số mà Kiev kỳ vọng trước mắt là 4 phi đội với 48 chiếc, sau tăng dần lên 160 đến 200 chiếc.

Để F-16 phát huy hiệu quả đòi hỏi phải mất khá nhiều thời gian, nhất là công tác huấn luyện chuyển loại cho phi công và thợ kỹ thuật. Thông thường, quá trình huấn luyện nếu nhanh cũng phải ít nhất 6 tháng, thậm chí hàng năm trời. Tuy nhiên, khi đi vào tham chiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trước hết, phòng không Nga rất mạnh, nếu F-16 không có chiến thuật phù hợp khi tác chiến gần tiền tuyến (bay thấp kéo cao, lợi dụng địa hình địa vật) thì rất dễ bị tên lửa S-400 "hỏi thăm". Ngay cả khi được trang bị tên lửa không đối không AIM-120 hiện đại thì tầm bắn vẫn thua xa tiêm kích Su-30SM hay Su-35 Nga.

Tiếp đó, chi phí vận hành F-16 khá cao, không đến mức "một tiền gà 3 tiền thóc", nhưng chi phí để mua 1 chiếc F-16 cũng bằng chi phí duy trì hoạt động. Mỗi giờ bay của chúng có thể ngốn tới 27.000 USD, nếu không có sự tiếp sức của phương Tây, Ukraine khó có thể đảm bảo cho chúng vận hành một cách trơn tru.

Thêm nữa, F-16 thuộc loại "khá sang chảnh", chúng khó hoạt động được ở những sân bay dã chiến nơi đường băng gồ ghề, nhiều bụi và mảnh đất đá, dễ khiến động cơ bị hư hại.

Tóm lại, F-16 không phải "cây đũa thần" có thể giúp Ukraine lật ngược thế cờ, nhưng thà "muộn còn hơn không bao giờ", Kiev đang rất cần tiêm kích mới để tăng cường năng lực phòng thủ cũng như tấn công đáp trả.

Nga rõ ràng cũng nhận thức được các mối đe dọa từ dòng chiến đấu cơ này khi tuyên bố bất cứ chiếc F-16 nào được cung cấp cho Ukraine sẽ là "mục tiêu hợp pháp" của Moscow.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm