1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đổi chiến thuật tên lửa, đánh thẳng "huyết mạch" quân sự Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đã thay đổi chiến lược tên lửa trước đây sang chiến lược mới có thể gây ra những tác động nghiêm trọng hơn cho nỗ lực của Ukraine trên chiến trường.

Nga đổi chiến thuật tên lửa, đánh thẳng huyết mạch quân sự Ukraine - 1

Xe tăng Nga khai hỏa trong chiến dịch quân sự tại Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã sử dụng tên lửa dẫn đường để tấn công các hệ thống năng lượng mà Ukraine cần để vượt qua mùa đông. Chiến dịch này đã gây ra tổn thất nặng nề cho Ukraine, nhưng không tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.

Nga tiếp tục phát động chiến dịch tương tự vào mùa đông này, với một số trận tập kích có quy mô lớn chưa từng có.

Tuy nhiên, Nga đã áp dụng một chiến lược mới mà các chuyên gia cho rằng có thể gây ra vấn đề lớn hơn nhiều cho những nỗ lực đáp trả của Ukraine.

Moscow đã nhắm mục tiêu vào "huyết mạch" công nghiệp vũ khí của Ukraine và tuyến hậu cần được Ukraine sử dụng để đưa các vũ khí này ra tiền tuyến, trong bối cảnh năng lực tự sản xuất vũ khí của Kiev trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì viện trợ quân sự của phương Tây bị suy giảm.

"Tôi vô cùng lo ngại", Fabian Hoffmann, chuyên gia về công nghệ tên lửa tại Đại học Oslo ở Na Uy, cho biết.

Theo ông Hoffmann, vào mùa đông năm ngoái, Nga đã "lãng phí tên lửa" khi nhắm mục tiêu vào các mục tiêu dân sự.

"Bởi vì hãy nghĩ xem chúng sẽ hiệu quả hơn như thế nào, nếu được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở tiền tuyến hoặc tấn công các cơ sở công nghiệp quốc phòng và hậu cần", ông Hoffmann nhận định.

Chuyên gia Hoffmann cho rằng, chiến lược của Nga trước đây không thực sự hiệu quả. Theo ông, từ góc độ quân sự, việc nhắm mục tiêu vào hạ tầng năng lượng "hoàn toàn không hiệu quả" vì chỉ có thể "làm suy yếu tinh thần của đối thủ".

Tuy nhiên, tinh thần của Ukraine dường như chưa bao giờ suy giảm. Vì vậy, mặc dù chiến lược này gây ra tổn thất lớn đối với người dân ở các thành phố của Ukraine, nhưng "hoàn toàn không có tác dụng đối với Nga và không có tác dụng gì ở tiền tuyến", ông Hoffmann nói.

Lần này, mặc dù vẫn tiếp tục tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine, nhưng Nga đã thay đổi chiến lược và mục tiêu tấn công. Moscow đã nhắm mục tiêu vào các trang thiết bị của Ukraine, bao gồm các nhà máy sản xuất vũ khí hoặc vũ khí đang trên đường chuyển ra tiền tuyến.

Chiến lược này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ukraine, khi Kiev tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược trong bối cảnh các đồng minh chậm trễ viện trợ quân sự.

Vadym Skibitskyi, đại diện cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết Nga hiện chủ yếu nhắm mục tiêu vào tổ hợp quân sự quốc phòng của Ukraine, trong khi vẫn tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Nga cũng thừa nhận chiến lược này, khi gần đây tuyên bố nhắm mục tiêu và tấn công các cơ sở sản xuất đạn dược và máy bay không người lái ở Ukraine. Đây là hai trong số những loại vũ khí hiệu quả nhất của Ukraine trong việc đẩy lùi lực lượng Nga.

Các báo cáo trong hai tháng qua cho thấy Nga đã nhắm mục tiêu và trong một số trường hợp, Nga tuyên bố phá hủy một nhà máy tên lửa, kho đạn dược, kho thiết bị quân sự, nhà máy sản xuất máy bay không người lái và sửa chữa thiết bị quân sự của Ukraine.

Timothy Wright, chuyên gia tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng "Ukraine có một nền tảng công nghiệp quốc phòng trong nước mà Nga muốn làm suy yếu nhiều nhất có thể".

Theo ông Wright, Nga nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi mục tiêu tấn công, thay vì cho phép Ukraine bắt đầu tự mình phát triển ngày càng nhiều vũ khí, đạn dược.

Ông cho biết Nga có thể đang tính toán rằng, sẽ đến lúc trang thiết bị của phương Tây không được chuyển giao cho Ukraine và Kiev cũng không thể tự bảo trì thiết bị hoặc tự chế tạo thiết bị mới.

Tuy nhiên, chuyên gia Wright cũng cho biết, thuận lợi của Ukraine là phần lớn vũ khí của nước này được sửa chữa ở nước ngoài như Ba Lan.

Ngoài ra, ngành công nghiệp vũ khí nội địa của Ukraine trải rộng trên nhiều khu vực, khiến việc làm suy yếu chúng trở nên khó khăn hơn.

"Việc có thể xác định những địa điểm, sau đó tấn công những địa điểm nhỏ này thực sự rất khó khăn", ông Wright nói thêm.

Chiến dịch quân sự tại Ukraine cho thấy Nga dường như thiếu khả năng theo dõi và tấn công các mục tiêu, vì tên lửa thường đi chệch mục tiêu dự tính. Tuy nhiên, Nga đang tăng cường sản xuất tên lửa và Ukraine cho biết họ cần nhiều hệ thống phòng không hơn.

Chuyên gia Hoffmann nói rằng ông "thực sự lo ngại" liệu Nga có thể tiến hành một chiến dịch tập trung và được lên kế hoạch kỹ lưỡng nhằm vào các cơ sở sản xuất quốc phòng của Ukraine hay không.

"Chiến dịch của Nga có thể trở thành vấn đề vô cùng nghiêm trọng đối với Ukraine", ông Hoffmann cảnh báo.

Theo Business Insider