1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga dính líu vụ cựu đặc vụ CIA nghi “tay trong” của Trung Quốc?

(Dân trí) - Vụ Mỹ bắt giữ một cựu đặc vụ của CIA nghi là “tay trong” giúp Trung Quốc “trừ khử” điệp viên Mỹ xuất hiện thêm tình tiết mới khi một số nguồn tin nói rằng Nga cũng liên quan tới vụ việc này.

Trụ sở CIA tại Mỹ (Ảnh: Reuters)
Trụ sở CIA tại Mỹ (Ảnh: Reuters)

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 15/1 thông báo Jerry Chun Shing Lee, cựu đặc vụ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã bị bắt ở sân bay John F Kennedy ở New York sau khi bay từ Hong Kong về Mỹ. Các nhà chức trách Mỹ đang nghi ngờ Lee chính là gián điệp đã tuồn thông tin mật cho Trung Quốc, giúp đỡ Bắc Kinh làm tê liệt mạng lưới tình báo của CIA tại Trung Quốc.

Năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng mở cuộc điều tra về sự biến mất bí ẩn của hàng loạt điệp viên CIA khi khoảng 20 đầu mối thông tin của cơ quan này bị sát hại hoặc bỏ tù tại Trung Quốc trong 2 năm trước đó.

NBC dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, sau khi có trong tay những thông tin mật về mạng lưới tình báo của CIA từ Lee, Trung Quốc được cho là đã chia sẻ chúng cho Nga và Moscow đã dùng chính những thông tin đó để lật tẩy, bắt giữ, thậm chí “trừ khử” các điệp viên Mỹ đang sống ở Nga. Trước đó, tình tiết liên quan tới Nga trong vụ việc này chưa từng được hé lộ.

Tính đến năm 2007, Lee từng làm việc cho CIA 13 năm trước khi rời Mỹ đến Hong Kong. Khi Lee và gia đình quay về Mỹ vào tháng 8/2012, cựu điệp viên CIA đã nghỉ chân ở Honolulu, Hawaii trong vài ngày. Khi đó, đội ngũ trinh sát Mỹ đã bí mật khám xét căn phòng khách sạn và hành lý của Lee. Tiếp đó, khi gia đình Lee tới bang Virginia, các nhà điều tra Mỹ tiếp tục khám xét một khách sạn khác và phát hiện nhiều tài liệu bí mật.

Trong số các tài liệu được các nhà điều tra tìm thấy có một cuốn sổ ghi ngày tháng dày 49 trang và một cuốn sổ ghi địa chỉ dày 21 trang với rất nhiều thông tin mật. Trong các cuốn sổ còn có tên thật và số điện thoại của hàng loạt nhân viên CIA ngầm, địa chỉ các cơ sở của CIA và các ghi chú về những nơi gặp mặt bí mật.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ Lee đã nhận một khoản tiền “hoa hồng” để tuồn các thông tin mật của CIA cho giới tình báo Trung Quốc khi người đàn ông này làm việc cho một công ty thuốc lá Nhật Bản ở Hong Kong. FBI cũng đặt ra nghi vấn khi Lee từng làm việc cho một hãng đấu giá ở Hong Kong trong khi hãng này do một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc đồng sở hữu.

Các giả thuyết

Lee khi làm nhân viên an ninh tại hãng đấu giá ở Hong Kong (Ảnh: The Value)
Lee khi làm nhân viên an ninh tại hãng đấu giá ở Hong Kong (Ảnh: The Value)

Mặc dù vậy, các cựu quan chức Mỹ cho rằng không hẳn tất cả các điệp viên Mỹ bị bắt giữ và “trừ khử” đều có liên quan tới những thông tin do cựu đặc vụ CIA Lee cung cấp. Các nhà điều tra bắt đầu nghi ngờ rằng hệ thống thông tin ngầm của CIA bị xâm nhập. Một giả thuyết được đặt ra là chính Lee đã giúp phía Trung Quốc tiến hành hoạt động xâm nhập này.

Hai cựu quan chức Mỹ cho biết hệ thống trao đổi thông tin giữa CIA với các đặc vụ rất lỗi thời và có thể là mục tiêu tấn công dễ dàng của giới tình báo Trung Quốc.

“Tất cả những gì họ có thể làm là tiếp cận máy tính xách tay của một đặc vụ và họ có thể lấy được các thông tin”, một quan chức cho biết.

Theo một số điều tra viên, Trung Quốc có thể đã xâm nhập vào hệ thống liên lạc giữa CIA với những người cung cấp tin, trong khi một số người khác nhận định công nghệ bảo mật thông tin liên lạc của CIA là bài toán quá dễ đối với các chuyên gia công nghệ Trung Quốc. Một giả thuyết nữa được đặt ra là do các điệp viên CIA ở Trung Quốc để lộ sơ hở nên đã bị lộ thân phận.

Sau khi bị bắt giữ, Lee đã bị buộc tội nắm giữ trái phép các thông tin quốc phòng và có thể đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam. Tuy nhiên giới chức Mỹ cho rằng Lee có thể sẽ không bị kết tội làm gián điệp cho nước ngoài vì cả FBI và CIA hiện chưa có đủ bằng chứng cần thiết để buộc tội cựu đặc vụ 53 tuổi này. Hơn nữa, họ cũng không muốn công khai những bằng chứng này trước tòa.

Thành Đạt

Tổng hợp