1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình tiết mới vụ cựu đặc vụ CIA nghi giúp Trung Quốc “trừ khử” gián điệp Mỹ

(Dân trí) - Những tình tiết liên quan đến khoảng thời gian làm việc của cựu đặc vụ CIA tại Hong Kong trong quá khứ đã được tiết lộ, mở ra những suy đoán mới về nghi vấn mối liên hệ giữa người đàn ông này và Trung Quốc.

Cựu đặc vụ CIA Jerry Chun Shing Lee (Ảnh: SCMP)
Cựu đặc vụ CIA Jerry Chun Shing Lee (Ảnh: SCMP)

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 15/1 thông báo Jerry Chun Shing Lee, cựu đặc vụ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã bị bắt ở sân bay John F Kennedy ở New York sau khi bay từ Hong Kong về Mỹ. Các nhà chức trách Mỹ đang nghi ngờ Lee chính là gián điệp đã tuồn thông tin mật cho Trung Quốc, giúp đỡ Bắc Kinh làm tê liệt mạng lưới tình báo của CIA tại Trung Quốc. Năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng mở cuộc điều tra về sự biến mất bí ẩn của hàng loạt điệp viên CIA khi khoảng 20 đầu mối thông tin của cơ quan này bị sát hại hoặc bỏ tù tại Trung Quốc trong 2 năm trước đó.

Công việc ở Hong Kong

Tính đến năm 2007, Lee từng làm việc cho CIA 13 năm trước khi rời Mỹ đến Hong Kong. Theo một số nguồn tin, với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh, Lee tiếp tục “đầu quân” cho Công ty Thuốc lá Quốc tế Nhật Bản (JTI) khi đặt chân đến Hong Kong.

“Anh ta làm việc trong đội ngũ điều tra viên, chuyên phát hiện các đối tượng buôn lậu và làm giả thuốc lá”, nguồn tin tiết lộ về công việc của Lee tại Hong Kong.

Tuy nhiên, Lee chỉ làm việc tại JTI trong khoảng “từ một hoặc hai năm”, sau đó “do xảy ra mâu thuẫn với ông chủ nên Lee đã bị sa thải” khỏi công ty đa quốc gia này.

Liên quan tới khoảng thời gian tại Hong Kong, một nguồn tin cho biết Lee từng làm việc cho David Reynolds - cựu đặc vụ CIA từ năm 1988-2002 và là nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu, Trung Quốc trong hai năm sau đó. Từ năm 2004-2010, David Reynolds chuyển sang làm việc cho JTI ở Hong Kong với vị trí phó giám đốc phụ trách thương hiệu toàn cầu của công ty này.

Một phát viên của văn phòng báo chí JTI xác nhận “Lee là nhân viên của JTI trong một khoảng thời gian ngắn”, song công ty này từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào liên quan tới các cựu nhân viên hoặc những người đang làm việc ở JTI nếu chưa có sự cho phép của chính nhân viên đó.

Lý do sa thải


Lee khi làm việc tại Hong Kong (Ảnh: The Value)

Lee khi làm việc tại Hong Kong (Ảnh: The Value)

Một nguồn tin là đồng nghiệp cũ của Lee tại JTI ở Hong Kong đã tiết lộ với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng về lý do khiến Lee bị sa thải khỏi công ty này. Nguồn tin cho biết mối nghi ngờ bắt đầu xuất hiện sau khi các kiện hàng thuốc lá bất ngờ bị Trung Quốc thu giữ và một điều tra viên bị bắt ở đại lục.

“Chúng tôi bắt đầu nhận ra các vấn đề liên quan tới Lee trong vòng một năm kể từ khi anh ta vào làm việc tại công ty này. Mặc dù không thể xác minh vào thời điểm đó, song chúng tôi nghi ngờ rằng anh ta đã tuồn các thông tin liên quan tới các cuộc điều tra về hàng giả và buôn lậu của chúng tôi, trong đó có những vụ được tiến hành với sự hợp tác của các cơ quan hành pháp phương Tây và cả những vụ nhắm mục tiêu tới các băng nhóm tội phạm có tổ chức, cho chính quyền (Trung Quốc) đại lục”, nguồn tin từng là quản lý tại JTI cho biết.

Theo nguồn tin, sau khi Lee nắm được thông tin về các các cuộc điều tra của JTI, một số vụ việc đã bất ngờ xảy ra sau đó.

“Một số kiện hàng giả được mua bán trong quá trình điều tra đã bị chính quyền Trung Quốc thu giữ hoặc có thể đơn giản là đã mất tích, trong khi đó một trong số các điều tra viên của chúng tôi đã bị bắt và bỏ tù tại Trung Quốc”, nguồn tin tiết lộ, song cũng cho biết JTI không thể chứng minh được rằng Lee đã trực tiếp đứng sau vụ việc này.

Tài chính ổn định

Lee bảo vệ một tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci trong một sự kiện trưng bày của hãng đấu giá Christie’s (Ảnh: AFP)
Lee bảo vệ một tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci trong một sự kiện trưng bày của hãng đấu giá Christie’s (Ảnh: AFP)

Dù làm việc cho JTI không lâu, song trong khoảng thời gian này, Lee được cho là không gặp vấn đề về tài chính. Một nguồn tin an ninh tiết lộ Lee “có trong tay khá nhiều tiền”.

“Tôi không biết số tiền đó từ đâu đến. Nhưng tôi tin Lee có một số mối liên hệ với tình báo ở Trung Quốc”, nguồn tin cho biết. Cũng theo nguồn tin, Lee sau đó tự thành lập một công ty ở Hong Kong.

“Anh ta nhận công việc từ nhà thầu để điều tra các vụ buôn lậu thuốc lá. Anh ta đầu tư khoảng 3 triệu đô la Hong Kong (khoảng 380.000 USD) vào công ty này. Đó là số tiền khá lớn”, nguồn tin tiết lộ, đồng thời cho biết công ty này cuối cùng đã đóng cửa.

“Bỗng vào một ngày, anh ta biến mất… Tôi nghĩ đó là vào khoảng năm 2012”, nguồn tin nói thêm.

Theo cáo trạng của tòa án Mỹ, 2012 cũng là năm các đặc vụ FBI vào cuộc điều tra nghi vấn Lee tuồn thông tin mật ra nước ngoài. Để dụ dỗ Lee về Mỹ, FBI đã vẽ ra một công việc giả dành cho người đàn ông này ở Washington.

Cáo trạng của tòa cho biết các thông tin thu được từ tài liệu của Lee được xếp vào từ mức mật cho tới tuyệt mật và “việc rò rỉ những thông tin này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Mỹ”. Theo một cựu quan chức của cơ quan phản gián, đây là “một trong những tổn thất và thất bại tình báo lớn nhất trong lịch sử hiện đại” của Mỹ.

Khi Lee và gia đình quay về Mỹ vào tháng 8/2012, cựu điệp viên CIA đã nghỉ chân ở Honolulu, Hawaii trong vài ngày. Khi đó, đội ngũ trinh sát Mỹ đã bí mật khám xét căn phòng khách sạn và hành lý của Lee, đồng thời chụp ảnh các tài sản của ông này. Tiếp đó, khi gia đình Lee tới bang Virginia, các nhà điều tra Mỹ tiếp tục khám xét một khách sạn khác và phát hiện nhiều tài liệu bí mật.

Trong số các tài liệu được các nhà điều tra tìm thấy có một cuốn sổ ghi ngày tháng dày 49 trang và một cuốn sổ ghi địa chỉ dày 21 trang với rất nhiều thông tin quý báu mà bất kỳ điệp viên Trung Quốc nào cũng muốn sở hữu. Trong các cuốn sổ còn có tên thật và số điện thoại của hàng loạt nhân viên CIA ngầm, địa chỉ các cơ sở của CIA và các ghi chú về những nơi gặp mặt bí mật.

Công việc vỏ bọc

Lee từng có gần hai năm làm việc cho hãng Christie’s ở Hong Kong (Ảnh: SCMP)
Lee từng có gần hai năm làm việc cho hãng Christie’s ở Hong Kong (Ảnh: SCMP)

Ngoài JTI, Lee từng làm việc cho hãng đấu giá nổi tiếng Christie’s trong hai năm sống ở Hong Kong. Tuy nhiên hãng này khẳng định không liên quan tới các cáo buộc nhằm vào Lee.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã sa thải một nhân viên ở Hong Kong có liên quan tới cuộc điều tra về tội phạm. Công việc của người này trong gần 20 tháng làm việc chủ yếu liên quan tới việc bảo đảm an ninh cho đội ngũ nhân viên và cơ sở vật chất của Christie’s. Công việc này không liên quan tới an ninh dữ liệu hay công nghệ thông tin của công ty”, Catherine Manson, lãnh đạo phòng truyền thông của Christie’s, cho biết.

Một nguồn tin ở Hong Kong, người từng gặp Lee trong thời gian làm việc tại Christie’s, khẳng định Lee “không phải kiểu người thích khoe khoang về những thành tích trong quá khứ”.

“Anh ta không nhắc gì đến việc từng làm cho quân đội Mỹ hay bất kỳ điều gì tương tự như vậy. Thực ra đó cũng là cách hành xử thông thường của một đặc vụ. Ấn tượng của tôi về Lee là anh ta không quan tâm mấy đến công việc (ở Christie’s).. Đó có thể chỉ là vỏ bọc, chứ không phải công việc thực sự của anh ta”, nguồn tin cho biết.

Một nguồn tin khác thân cận với các hoạt động của Christie’s ở Hong Kong cũng nói rằng cách hành xử của Lee không có gì bất thường hay nổi bật, ngoại trừ vóc dáng cao lớn của người đàn ông này.

Theo nguồn tin, là người đứng đầu bộ phận an ninh của Christie’s, Lee chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho quá trình vận chuyển các sản phẩm cũng như thời điểm bán đấu giá các sản phẩm tại hãng này. Nguồn tin cho biết Lee dường như không gặp khó khăn với công việc này.

“Những người đứng đầu bộ phận an ninh thường rất hung dữ. Nhưng Lee không như vậy”, nguồn tin cho biết thêm.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Chun Shing Lee, 53 tuổi, đã bị buộc tội “nắm giữ trái phép các thông tin quốc phòng và có thể đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam”. Tuy nhiên, Lee không bị buộc tội làm gián điệp và tránh được mức án tử hình.

Thành Đạt

Tổng hợp